Bỗng mây đen kéo đen kịt một gầm trời. Gió đã mạnh càng mạnh hơn.
Cây rừng rú lên gớm ghiếc. Nhất là cái cây ma quái, theo sức gió rú lên
từng hồi, nghe như tiếng gió từ cửa địa ngục lùa lên. Từng chiếc lá đỏ rụng
lả tả như những giọt máu, lá rơi xuống chỗ nào, cỏ úa đi chỗ ấy. Rồi thì trời
đổ mưa. Sấm chớp ầm ầm. Một tiếng sét chuyển núi rừng đánh đúng vào
cái cây. Một tiếng reo vang động, cả một tảng đá tung lên, thân cây ngã
xuống, cháy xém đi một nửa. Hôm sau, bọn dân lại kéo nhau ra, giết bò làm
lễ ở gốc cây, rồi vòng tay nhau nhảy múa. Nhảy múa xong, chúng lại chất
củi và tẩm nhựa thông để đốt. Lần này thì lửa bén ngay vào thân cây. Lửa
càng cháy, một mùi tanh tởm như mùi thịt xương người cháy càng bốc lên.
Bọn dân kẻ thì lao đao ngã xuống ngất đi, kẻ thì mau chân chạy thoát. Lửa
cháy âm ỉ ba đêm ngày liền. Dân vùng ấy bồng bế nhau chạy về các nẻo
rừng xa để tạm lánh hơi nhựa giết người. Đến ngày thứ tư lửa tắt, có kẻ mò
về, thấy muông thú chết ngổn ngang ở nơi đốt lửa. Thì ra thú rừng đã ra và
đã dẫm hay liếm phải đống tro kia.
Cây ma quái đã bị sét đánh rồi, nhưng lão thầy mo Trô Ún vẫn còn một
ống tre đầy nhựa "đoạn trường thảo" cất giấu ở trong buồng. Lão không
dùng nhựa ấy để giết người. Tuy lão có sức khỏe phi thường và mặt mũi
hung ác, song lão rất hiền với người, chỉ ác cùng mãnh thú. Bởi thế mà một
bọn trai đã đến làm đồ đệ lão. Lão ngần ngại mãi rồi mới chịu thu học trò.
Trong sân nhà lão, bọn học trò khi việc làm nương, đốn củi đã xong,
thường tụ họp để tập bắn cung nỏ và đánh võ. Lão Trô Ún rất giỏi võ, cũng
do một người Tầu ngày xưa đã vượt qua cửa ải Nam Quan vùng Lạng Sơn
sang đây tìm đất chôn vàng hay để mả gì đó, rồi gặp ngay Trô Ún. Người
Tầu nọ đã tận tình truyền bảo võ nghệ cho Trô Ún, rồi lại đi giang hồ.
Trô Ún ngay từ ngày còn trẻ đã nổi danh ở vùng chợChu(Thái Nguyên -
Bắc Kạn). Trô Ún nổi danh hào hiệp, có hắn nên hồi đó giặc cỏ không dám
nổi lên.
*