lai của con nhưng bà thấy lo cái nghề võ thô bạo, tài giỏi bao nhiêu càng
chết sớm bấy nhiêu. Bà suy như chồng bà, làm tướng giúp vua Lê đánh
trăm trận, làm quan giữ đồn trấn ải, thế rồi cũng đến chết ở chiến trường.
Nhưng dù sao, bà cũng tin ở lòng trời. Bà để tùy ý con, không ngăn cản.
Từ hôm sau, Đắc sớm học văn, chiều luyện võ. Văn tấn tới, võ cũng tinh
tường. Ông thày dạy văn yêu. Ông thầy dạy võ cũng quý. Tiếng đọc sách
của Đắc sang sảng cả xóm làng, tiếng côn quyền, gươm giáo của Đắc vun
vút kêu ngoài chân núi sau nhà, khiến ma kinh quỷ sợ.
Không bao lâu, khắp vùng ai cũng bàn tán về tài văn tài võ của Đắc.
"Cha hổ, lại sinh hổ, cậu ấy rồi mai sau ắt làm lớn". Hai ông thày thường
vẫn nói với nhau như vậy.
Sức Đắc dũng mãnh quá, chẳng mấy chốc đã thuộc lòng mười tám ban
võ nghệ. Cậu quen dùng đôi song kiếm, và bắn tên rất giỏi. Các bạn cùng
trường không ai dám đấu với Đắc. Anh chàng to lớn, kiêu ngạo nhất bọn bị
cậu đánh ngã bữa nọ, bây giờ tuy hơn cậu hai chục tuổi mà kính sợ cậu như
bậc đàn anh. Đắc giỏi, nhưng không kiêu ngạo. Cậu nhũn nhặn đối với
người tử tế; với kẻ bất nhân, cậu thẳng tay trừng trị. Trong làng ai cũng
gườm sợ câu, không dám khinh rẻ mẹ con cậu như trước nữa.
Càng lớn, Đắc càng ăn khỏe. Bà mẹ lo kiếm gạo cho con ăn mà không hề
than thở một lời. Thấy mẹ già khổ sở, Đắc buồn rầu, một hôm nghỉ học. Bà
mẹ hiền đức biết ý con, khóc mà răn:
- Mẹ biết con muốn ở nhà kiếm rau củi mà nuôi lại mẹ. Nhưng con ơi,
nhà mình vốn dòng nghiên bút kiếm cung, con nên gắng công theo học để
nối nghiệp cha ông. Mẹ tuy tóc bạc, lưng còng nhưng vẫn còn khỏe, có thể
kiếm củi hái rau nuôi con được.
Đắc không dám trái lời mẹ, lại miệt mài theo học, nhưng đến bữa, cậu có
ý ăn ít đi nhường phần mẹ, rồi vào rừng kiếm hoa quả ăn thêm cho no. Cậu