đấy hàng tiếng đồng hồ, mãi cho đến khi bình minh đã ló dạng từ lâu. Một
chốc sau đó, ta bình tĩnh trở lại và con biết lúc ấy ta đã làm gì không?”
Tôi lắc đầu, cố không nhìn vào mặt thầy. Hai mắt thầy đang long lên sáng
rực làm thầy trông như con sói hơn bao giờ hết.
“Ta leo xuống mấy bậc thang rồi ngồi đó, nơi hầm rượu này, trong bóng
tối. Đoạn ta hít vào ba hơi thật sâu rồi đối mặt với nỗi sợ hãi của mình. Ta
đối mặt với chính bóng tối, là điều đáng sợ nhất trong mọi điều, nhất là cho
những người như chúng ta, bởi vì trắc trở xảy đến với chúng ta từ bóng tối.
Chúng săn lùng lấy chúng ta bằng những tiếng thì thào và hiện hình thành
những thứ chỉ có mắt chúng ta mới nhìn thấy được. Nhưng ta đã đối mặt như
thế, và khi ta rời khỏi căn hầm thì điều tồi tệ nhất đã qua.”
Lúc ấy, cây nến chảy hết ra và tắt ngúm, dìm hai thầy trò chúng tôi vào
bóng đêm đen kịt.
“Thế đấy anh bạn,” Thầy Trừ Tà bảo. “Chỉ còn lại con, ta và bóng tối.
Con có thể chịu được không? Con có thích hợp làm chân học việc cho ta
không?”
Giọng của thầy nghe khang khác, như là trầm hơn và hơi kỳ. Tôi hình
dung ra thầy đang bò hai tay hai chân, lông sói phủ khắp mặt, răng cỏ mọc
dài ra. Tôi run lập cập chẳng nói được lời nào cho đến khi hít sâu vào đến
hơi thứ ba. Chỉ đến lúc ấy tôi mới trả lời thầy. Đấy là lời bố tôi hay nói khi
ông phải làm việc gì đó không dễ chịu hay dễ dàng gì.
“Rồi phải có ai làm thôi,” tôi đáp. “Vậy thôi cứ để con làm cho rồi.”
Chắc hẳn Thầy Trừ Tà cho là câu ấy buồn cười, bởi vì tiếng cười của thầy
vang khắp căn hầm rồi rầm rập dội lên những bậc thang, chạm trán với một
hồi sấm đùng đang vọng xuống.
“Gần mười ba năm trước,” thầy kể, “một lá thư dán niêm được gửi đến
cho ta. Lá thư ngắn gọn đề cập thẳng vấn đề và được viết bằng tiếng Hy
Lạp. Mẹ con là người đã gửi thư. Con có biết thư viết gì không?”
“Không ạ,” tôi lí nhí đáp, lòng băn khoăn không biết tiếp theo lại là
chuyện gì đây.