cực nhọc và phải vận động mệt như những việc lao động chân tay mà hồi
còn ở nông trại nhà mình tôi từng làm vậy.
Khởi đầu là từ một buổi sáng đầy nắng ấm áp, khi Thầy Trừ Tà bảo tôi bỏ
tập vở sang một bên và dẫn tôi đi về phía khu vườn phía Nam. Thầy đưa cho
tôi cầm theo hai thứ: một cái xẻng và một cây gậy thước đo thật dài.
“Những ông kẹ thả rông thường di chuyển theo hóc xoáy,” thầy giảng.
“Nhưng đôi khi cũng có trục trặc. Có thể là do một cơn mưa dông hay thậm
chí là do động đất. Ở trong Hạt này người ta chưa từng nhớ là đã có một trận
động đất nghiêm trọng nào, nhưng dù thế vẫn có trục trặc, bởi vì những hóc
xoáy luôn nối liền với nhau và nếu có chuyện gì xảy đến cho một hóc này,
dù là có cách xa đến hàng nghìn dặm, thì những hóc xoáy khác cũng bị ảnh
hưởng. Đến khi ấy, những ông kẹ sẽ bị mắc kẹt tại chỗ hàng mấy năm trời
và chúng ta gọi đấy là bị "chèn tự nhiên". Thường mỗi khi như thế thì ông
kẹ sẽ chẳng di chuyển được hơn một tá bước theo bốn hướng và thế là bọn
chúng sẽ chẳng gây ra được phiền toái gì lắm. Trừ khi con đến quá gần
chúng. Nhưng cũng có đôi khi, bọn ông kẹ lại bị kẹt trong chỗ ngược ngạo,
gần với nhà dân hay thậm chí là ngay trong nhà. Vậy là con sẽ cần phải di
dời ông kẹ khỏi nơi ấy và đem chúng đi ép chèn ở nơi khác.”
“Hóc xoáy là gì vậy ạ?” tôi hỏi.
“Không phải ai cũng nghĩ giống nhau đâu anh bạn. Có những người thì
cho rằng hóc xoáy chỉ là những lối mòn thời xa xưa cắt dọc cắt ngang mặt
đất mà ông cha ta đã đi lại trong thời xa xưa ấy, khi mà con người vẫn là con
người chân chính và thế lực bóng tối biết thân biết phận của mình. Khi mà
sức khỏe con người dẻo dai hơn, đời sống trường thọ hơn và ai nấy đều hạnh
phúc vui vẻ.”
“Thế rồi chuyện gì đã xảy ra ạ?”
“Băng giá từ phương Bắc tràn xuống và mặt đất trở nên lạnh cóng trong
hàng nghìn năm,” Thầy Trừ Tà giảng giải. “Việc sinh tồn khó khăn đến nỗi
con người quên sạch những gì họ đã học được. Những hiểu biết trước kia
không còn quan trọng nữa. Làm sao giữ được ấm và có cái ăn là điều kiện