cao mới ngang cằm Thầy thôi.
Thốt nhiên Thầy mỉm cười. Đấy là điều cuối cùng mà tôi mong thấy.
Gương mặt Thầy to tướng và trông như thể được đẽo ra từ đá. Cho đến lúc
ấy thì tôi nghĩ Thầy khá hung tợn. Chiếc áo choàng đen dài cùng mũ trùm
đầu làm Thầy trông như cha xứ, nhưng khi Thầy nhìn thẳng vào bạn, vẻ mặt
đăm đăm của Thầy làm cho Thầy có vẻ như một tay hành quyết đang đong
đếm bạn để chọn cho vừa sợi dây treo cổ.
Món tóc chĩa ra từ phần trước mũ trùm tiệp màu với bộ râu, màu xám,
nhưng hai chân mày Thầy lại đen thui rậm rì. Lại còn có lắm lông đen sì thò
ra từ hai lỗ mũi nữa, và hai mắt Thầy màu xanh lục, cùng màu với mắt tôi.
Thế rồi tôi để ý thấy một điều khác về Thầy. Thầy đang cầm một cây
trượng dài. Hẳn nhiên là tôi đã trông thấy từ lúc Thầy lọt vào tầm nhìn kia,
nhưng điều tôi đã không nhìn ra cho đến lúc này là Thầy đang cầm trượng
bằng tay trái.
Thế có phải là Thầy cũng thuận tay trái như tôi?
Đấy là thứ đã đem đến cho tôi rắc rối liên tu bất tận ở trường làng. Người
ta thậm chí còn cho mời cha xứ trong vùng đến nhìn lấy tôi rồi cha xứ cứ lắc
đầu mãi, bảo tôi phải bỏ tật ấy thôi trước khi quá muộn. Tôi chẳng hiểu ý
cha xứ nói gì. Anh em tôi chẳng ai thuận tay trái cả và bố tôi cũng không.
Nhưng mẹ tôi lại thuận tay trái ấy chứ, mà việc ấy dường như chẳng bao giờ
làm bà quan tâm, thế là khi thầy giáo dọa sẽ đánh cho tôi bỏ cái tật ấy và
buộc viết vào tay phải của tôi, thì mẹ đem tôi ra khỏi trường và từ ngày đấy
trở đi mẹ dạy tôi học tại gia.
“Ông tính bao nhiêu để nhận nó vào?” bố tôi lên tiếng hỏi, làm gián đoạn
dòng suy nghĩ của tôi. Bây giờ thì chúng tôi bắt đầu bàn chuyện làm ăn thực
sự rồi đây.
“Hai đồng vàng cho một tháng thử thách. Nếu thằng bé chịu được, ta sẽ
quay trở lại vào mùa thu và khi đó ông sẽ thiếu ta thêm mười đồng. Còn nếu
không, ông có thể nhận lại thằng bé và chỉ thêm một đồng cho bõ công
phiền toái của ta thôi.”