khấn đất chứ biết sao. Nhiều khi những người lớn tuổi lại dai sức hơn ta
tưởng đấy.”
Một đỗi im lặng kéo dài, rồi tôi phá vỡ bầu im lặng ấy bằng việc hỏi kiểm
tra một chuyện mà nãy giờ tôi cứ canh cánh trong lòng.
“Vậy bác biết là cháu phải cần một ít máu của cha xứ rồi nhỉ?”
“Đừng có làm trứng dạy khôn vịt chứ,” thầy thuốc càu nhàu, rồi mệt mỏi
mỉm cười với tôi và chỉ tay ra con đường mòn dẫn về phía Horshaw. “Bác
thợ nề đang đến kìa, tốt hơn là cậu chuẩn bị làm việc của cậu đi thôi. Những
chuyện còn lại cậu có thể để ta lo.”
Tôi lắng tai và nghe thấy âm thanh xa xa của một cỗ xe ngựa đang tiến lại
gần, thế là tôi băng trở lại qua những bia mộ để xem xem mấy anh thợ chằng
đã làm đến đâu rồi.
Hố đã sẵn sàng và hai anh thợ đã lắp ráp xong bục gỗ dưới gốc cây. Anh
thợ phụ đã leo lên cây và đang đóng tay đòn cùng ròng rọc vào một cành cây
to chắc. Dụng cụ này to cỡ đầu người, được làm bằng sắt và lòng thòng trên
đấy những sợi xích cùng một móc câu thật lớn. Chúng tôi sẽ cần đến dụng
cụ này để nâng phiến đá lên và đặt nó vào vị trí chính xác.
“Bác thợ nề đến rồi,” tôi thông báo.
Ngay lập tức, hai anh thợ dừng ngay việc đang làm và theo chân tôi quay
lại nhà thờ.
Lúc này lại có thêm một con ngựa khác đang đứng chờ trên đường mòn,
phiến đá được đặt phía sau thùng xe. Tới đây thì chưa có rắc rối gì hết,
nhưng bác thợ nề trông không được vui vẻ cho lắm và bác ấy còn tránh nhìn
cả vào mắt tôi. Mặc, chẳng bỏ phí chút thời gian nào, chúng tôi dẫn xe ngựa
chạy theo đường chính đến cổng mở vào trong cánh đồng.
Khi đã đến gần gốc cây, bác thợ nề trượt móc câu vào chiếc vòng ngay
chính giữa phiến đá và phiến đá được nhấc ra khỏi thùng xe. Dù cho nó có
đậy vừa vặn chính xác lên hố hay không, chúng tôi phải chờ mới biết được.
Hẳn bác thợ nề đã đặt chiếc vòng ấy đúng chỗ vì phiến đá đang treo ngang
lơ lửng từ sợi xích ở tư thế cân bằng hết mực.