Tổng cộng có chín ngôi mộ phù thủy tất cả, mỗi mộ đánh dấu bằng một
tấm bia và được viền bằng những phiến đá nhỏ hơn phía trước huyệt đất sâu
ba thước này. Mười ba thanh sắt dày cui vít vào những phiến đá đó, che phủ
hết từng mảng đất. Chúng được đặt đấy để ngăn những mụ phù thủy đã chết
bên dưới bò lên xới tung lối lên mặt đất.
Và rồi, dọc theo một bức vách của tầng hầm, còn có thêm những tảng đá
to hơn, nặng hơn nữa. Có ba tảng đá cả thảy, mỗi tảng được thợ nề khắc lên
theo cùng một cách:
Chữ cái beta bằng tiếng Hy Lạp mách cho bất kỳ ai có thể đọc các dấu
hiệu rằng ông kẹ đã được chèn an toàn bên dưới đấy, và con số La Mã “I”
góc dưới bên phải cho biết đây là những ông kẹ cấp bậc thứ nhất, những
sinh vật chết người có khả năng giết hại một người còn nhanh hơn ta chớp
mắt. Chẳng có gì mới, tôi thầm nhủ, và vì Thầy Trừ Tà rất thạo việc nên
chẳng có gì phải e ngại đám ông kẹ đang bị nhốt dưới kia.
“Dưới này cũng có hai mụ phù thủy còn sống,” Thầy Trừ Tà bảo, “và đây
là mụ thứ nhất,” thầy vừa nói tiếp vừa chỉ tay vào một hố hình vuông tối om,
xung quanh viền những phiến đá nhỏ có mười ba thanh sắt đóng chéo để
ngăn mụ ta trèo ra ngoài. “Nhìn xem tảng đá ngay góc kia,” thầy bảo và chỉ
thẳng xuống dưới.
Đến khi ấy tôi mới nhìn thấy thứ mà nào giờ mình chưa từng để ý đến, cả
khi ở Chipenden cũng thế. Thầy Trừ Tà giơ nến đến gần hơn để tôi nhìn
thêm rõ. Có một dấu hiệu, nhỏ hơn nhiều so với những dấu hiệu trên các
tảng đá chèn ông kẹ, theo sau dấu hiệu này là tên mụ phù thủy.
“Ký hiệu này là chữ cái sigma trong tiếng Hy Lạp bởi vì chúng ta phân
loại tất cả phù thủy bằng ký tự ‘S’ viết tắt cho sorceress (Nữ phù thủy). Có
nhiều chủng loại phù thủy đến nỗi, vì bọn chúng là giống cái và khôn ngoan
xảo quyệt, rất khó mà phân loại cho chính xác,” Thầy Trừ Tà giảng giải.
“Thậm chí so với ông kẹ, phù thủy có tính cách thay đổi theo thời gian còn
nhiều hơn. Vậy nên con phải đối chiếu vào lịch sử của bọn chúng – lịch sử
đầy đủ của mỗi mụ phù thủy, có bị chèn hay chưa, đều được ghi chép lại
trong thư viện tại Chipenden đấy.”