đập chan chát để tạo hình lưỡi rìu trên đe, thảng hoặc nhúng lưỡi rìu vào
chậu nước tạo nên tiếng xì xèo rõ to cùng một đám mây hơi nước.
Bác thợ đóng lưỡi rìu vào một cái cán dài bằng gỗ trước khi mài sắc lưỡi
trên đá mài, những tàn lửa bay lên tung tóe. Tổng cộng cũng phải mất gần
một giờ đồng hồ thì bác thợ rèn mới chịu hài lòng và đưa chiếc rìu cho Thầy
Trừ Tà.
“Tiếp đến ta cần một tấm khiên thật lớn,” Thầy Trừ Tà bảo. “Khiên phải
đủ lớn để che chắn cho cả hai người chúng ta nhưng cũng phải thật nhẹ sao
cho anh bạn kia có thể dùng tay giơ nó cao khỏi đầu.”
Bác thợ rèn trông có vẻ ngạc nhiên nhưng vẫn đi vào trong kho hàng ở
phía sau rồi trở ra với một tấm khiên đại hình tròn. Chiếc khiên bằng gỗ, có
viền kim loại bao quanh. Khiên còn có tâm khiên bằng kim loại kèm theo
mũi giáo nhọn, thế là bác thợ bắt đầu tháo phần tâm khiên ra thay thêm gỗ
vào đấy để làm chiếc khiên nhẹ đi. Rồi bác dùng thiếc phủ lấy mặt ngoài
khiên.
Nếu nắm lấy mép ngoài khiên, giờ đây tôi đã giơ được chiếc khiên lên
khỏi đầu bằng hai cánh tay vươn ra hết cỡ. Thầy Trừ Tà bảo như thế lại
không ổn vì các ngón tay tôi sẽ bị đau khiến tôi đánh rơi khiên. Thế là sợi
dây đai bằng da thường thấy được thay thế bằng hai tay cầm bằng gỗ ngay
bên trong mép khiên.
“Được rồi, để xem con làm được gì nào,” Thầy Trừ Tà nói.
Thầy bắt tôi giơ cao khiên theo nhiều tư thế với nhiều góc độ khác nhau,
và rồi khi đã vừa ý, thầy trả tiền cho bác thợ rèn và thầy trò chúng tôi khởi
bước quay lại Trang trại Stone.
Chúng tôi leo thẳng đến đồi đá. Thầy Trừ Tà phải bỏ thanh trượng lại
đằng sau vì hai tay thầy đã bận mang theo rìu và túi. Tôi thì chật vật với
chiếc khiên nặng trịch, bụng thấy mừng vì thầy không còn muốn tôi vác
thêm túi của thầy nữa. Chúng tôi cứ leo lên mãi cho đến khi đến được nơi
người chăn cừu mất mạng. Đoạn Thầy Trừ Tà dừng lại và nhìn chòng chọc
vào mắt tôi.