tòa nhà đó, vừa ngửi ngửi vừa sủa ăng ẳng, và khi chúng tôi di chuyển sang
tòa nhà kế bên, nó vẫn ở nguyên tại tòa nhà cũ.
Rồi tôi nhận ra nếu gọi công trình này là tòa nhà “đôi” thì không hoàn
toàn chính xác. Mặc dù công trình thứ hai cũng có những khe hở làm cửa sổ
và riêng một bộ sưu tập các hình đầu thú, điểm khác biệt là tòa nhà này có
một cánh cửa gỗ chắc chắn. Cửa khóa bằng ổ khóa, nhưng ông Andrew,
người anh làm thợ khóa của Thầy Trừ Tà, đã cho hai thầy trò chúng tôi
những chiếc chìa khóa có thể dễ dàng vượt qua trở ngại như thế này. Vậy
nên Thầy Trừ Tà mở được cửa chỉ trong vài giây. Trước khi cẩn thận bước
vào trong, chúng tôi thắp sáng cả hai ngọn đèn, mũi dao trên trượng đã sẵn
sàng. Bước dọc theo ba bức vách, chừng ba mươi bậc thang bằng đá dẫn
chúng tôi xuống dưới, về phía một hồ nước.
Đến được đáy rồi, Thầy Trừ Tà bước tránh khỏi hồ nước và đi sang góc
kia tòa nhà. Tôi bước đến chỗ thầy và nhìn xuống thứ thầy vừa tìm thấy.
Một chiếc ủng.
“Của Bill phỏng?” Thầy hỏi.
“Vâng ạ,” tôi gật đầu đáp.
“Vậy giờ anh ta ở đâu nhỉ?” Thầy Trừ Tà hỏi, như là bày tỏ ý nghĩ thành
tiếng chứ không hẳn là hỏi ý tôi. Thầy quay lại chỗ hồ nước, đi đến mép hồ,
giơ cao đèn lồng và chõ mắt nhìn xuống.
Tôi nhìn theo hướng thầy quan sát. Nước hồ trong văn vắt nhưng lại sâu,
làm tôi có thể trông thấy hai thứ: một cầu thang hẹp và nằm sâu dưới mặt
nước; và, tại chân cầu thang ấy, là thứ gì đấy giống như miệng của một
đường hầm đen ngòm.
“Ta có gì đây nào?” Thầy Trừ Tà lẩm bẩm. “Này con, hãy nhìn vào hướng
của đường hầm kia. Con nghĩ nó dẫn đến đâu?”
Chẳng có gì phải nghi ngờ nhiều. “Sang tòa nhà còn lại ạ,” tôi đáp.
“Quả là thế thật. Và ta thắc mắc tòa nhà ấy có chứa gì đây? Có nhà tù nào
lại hiệu quả hơn một tòa nhà không cửa ra vào chứ! Đi theo ta, anh bạn...”