nước Seleucid với thủ đô ở Syria ở phương bắc. Palestine ngẫu nhiên
trở thành vùng đất tranh chấp của hai vương triều này. Chỉ trong
quãng thời gian 17 năm từ 319-302 TCN, Jerusalem bảy lần đổi chủ.
Cả hai vương triều duy trì chính sách tuyên truyền và phổ biến
văn hóa Hy Lạp đối với Palestine trong một phong trào gọi là Hy
Lạp hóa (Hellenism). Ptolemy thắng thế cho đến năm 198 TCN,
khi Antiochus III (223-187 TCN), một vị vua năng động dòng họ
Seleucid, chinh phục và kiểm soát toàn bộ Palestine. Trong thời kỳ
này, nhiều người Do Thái di cư xuống Ai Cập.
Cũng trong thời kỳ này, việc kết hợp văn hóa truyền thống Do
Thái với văn hóa Hy Lạp đã có một ảnh hưởng không nhỏ đối với
văn minh Do Thái và giúp người Do Thái tạo nên một nền văn hóa
độc đáo của riêng mình vừa mang đặc trưng của người Do Thái vừa
mang đặc trưng của người Hy Lạp.
Khi người Syria dòng Seleucid áp đặt nhiều biện pháp nhằm
đàn áp tôn giáo và việc thực hành tôn giáo của người Do Thái trên
vùng đất Palestine, một cuộc khởi nghĩa của người Do Thái đã nổ ra
vào năm 166 TCN dưới sự lãnh đạo của Maccabees. Cuộc khởi nghĩa
thắng lợi và nghĩa quân giành được quyền kiểm soát Judea (tên gọi
của Vương quốc Judah trong tiếng Hy Lạp và La Mã), lúc đó là một
tỉnh của Đế chế Seleucid. Maccabees lập nên triều đại
Hasmoneans trị vì trong khoảng thời gian 164-63 TCN. Họ khẳng
định lại tôn giáo của người Do Thái, một phần bằng cách chuyển
đổi cưỡng bức, đồng thời mở rộng biên giới của Judea bằng các
cuộc chinh phục và giảm bớt ảnh hưởng của Hy Lạp hóa (Hellenism)
và Do Thái giáo Hy Lạp hóa (Hellenistic Judaism).
Thời điểm này là kết thúc của Thời kỳ tự trị Do Thái.
Ngôi đền Jerusalem bị phá hủy lần thứ hai (70 CN).