nghịch lý và sự bất lực của d’Artagnan. D’Artagnan mải miết chạy theo
hắn nhưng không bao giờ bắt kịp. Chàng cố giết hắn nhưng chỉ thành công
nhờ một sự lầm lẫn hai mươi năm sau. Khi ấy Rochefort không còn là đối
thủ mà đã trở thành bạn chàng.”
“Cái anh chàng d’Artagnan ấy của anh cũng thật xúi quẩy,” một người
trong nhóm tôi, người lớn tuổi hơn trong hai nhà văn nói. Ông ta chỉ bán
được vẻn vẹn năm trăm bản in cuốn tiểu thuyết mới nhất, nhưng lại kiếm
được bộn tiền khi viết những truyện trinh thám dưới bút danh khó lòng
chấp nhận được: Emilia Forster. Tôi vui vẻ nhìn ông ta, hài lòng với một
nhận xét đúng lúc.
“Hoàn toàn đúng. Người chàng ta yêu nhất đời bị đầu độc. Mặc dù có
những chiến công chói lọi và những cống hiến cho ngai vàng nước Pháp,
chàng ta đã phải sống trong âm thầm hai mươi năm với cấp bậc trung úy
ngự lâm quân. Và ở phần cuối của Tử tước Bragelonne, khi vừa được vinh
thăng thống chế, mục tiêu đã khiến chàng tiêu phí bốn tập và bốn trăm hai
mươi lăm chương mới đạt được, thì một viên đạn của người Đức lại giết
chết chàng.”
“Giống như d’Artagnan trong đời thật,” người diễn viên nói, ông ta đã
đặt được bàn tay lên đùi cô ả phụ trách chuyên trang sành điệu.
Tôi chấp một ngụm cà phê trước khi gật đầu. Corso chăm chú nhìn tôi.
“Có ba d’Artagnan,” tôi giải thích. “Đầu tiên là Charles de Batz
Castlemore, ta biết rằng ông ta chết ngày hai mươi ba tháng Sáu năm 1673
vì một vết đạn ở cổ trong trận bao vây Maastricht, như trong thông cáo của
tờ Gazette de France hồi ấy. Một nửa số lính dưới quyền đi theo ông ta.
Ngoài sự kiện này sau khi ông ta chết, trong đời thực ông ta chỉ may mắn
hơn người cùng tên huyền thoại một chút.”
“Ông ta cũng là người xứ Gascon?”
“Phải, ở Lupiac. Làng này nay vẫn còn, có một tấm bia đá tưởng niệm
ông ta ở đó: ‘D’Artagnan, tên thực là Charles de Batz, ra đời tại đây khoảng
năm 1615. Chết năm 1673 trong trận bao vây Maastricht.’”