Tôi giơ tay biện hộ rằng Dumas vẫn tôn trọng sự thật.
“Đừng ngớ ngẩn. Charles de Batz, hay là d’Artagnan tiếp tục chiến đấu
đến hết đời. Anh ta phục vụ dưới quyền Turenne ở xứ Flandre, và năm
1657 được phong hàm trung úy ngự lâm quân áo xám, tương đương với sĩ
quan chỉ huy đơn vị. Mười năm sau trở thành đại úy ngự lâm quân chiến
đấu ở xứ Flandre, một chức vụ ngang với tướng kỵ binh.”
Hai mắt Corso nheo lại dưới cặp kính.
“Xin lỗi.” Gã nghiêng người qua bàn về phía tôi, tay cầm bút chì. Gã ghi
lại một cái tên hay ngày tháng gì đấy. “Chuyện này xảy ra năm nào?”
“Anh ta được thăng tướng ấy hả? 1667. Cái gì khiến ông để ý đến
chuyện đó?”
Gã cắn môi dưới để chìa ra mấy chiếc răng cửa. Nhưng chỉ trong một
thoáng. “Không gì hết.” Khi nói, nét mặt gã lại trở nên dửng dưng. “Cùng
cái năm ấy có người nào đấy bị hỏa thiêu ở Rome. Một trùng hợp kỳ lạ…”
Lúc này gã nhìn tôi trừng trừng. “Cái tên Aristide Torchia có gợi nên cái gì
cho ông không?”
Tôi gắng nhớ lại. Không có khái niệm gì hết. “Không gì hết,” tôi đáp.
“Phải chăng người này có liên quan gì tới Dumas?”
Gã do dự. “Không,” sau cùng gã nói, mặc dù không có vẻ tự tin mấy.
“Chắc là không. Nhưng xin cứ tiếp tục. Ông đang nói về d’Artagnan thật ở
xứ Flandre.”
“Anh ta chết ở Maastricht, như tôi đã nói, khi dẫn đầu đơn vị tiến lên.
Một cái chết anh dũng. Người Anh và người Pháp bao vây thành phố. Họ
phải băng qua một con đường độc đạo nguy hiểm, và d’Artagnan xung
phong dẫn đầu để tỏ ra lịch sự với quân đồng minh. Một viên đạn súng
trường xé rách cổ anh ta.”
“Khi đó anh ta chưa trở thành thống chế.”
“Không. Alexandre Dumas thật đáng khen khi trao cho d’Artagnan hư
cấu cái mà Louis XIV đã từ chối không cho người tiền bối bằng xương
bằng thịt của anh ta… Có mấy cuốn sách thú vị về đề tài này. Ông có thể