“Chính thế. Ta hãy gọi người ít nổi tiếng nhất trong ba người là mắt xích
còn thiếu. Một chàng xứ Gascon làm trung gian giữa một nhân vật văn học
và một người có thật. Chính là kẻ được Dumas dùng để tạo ra nhân vật của
ông… Nhà văn Gatien de Courtilz de Dandras là người cùng thời với
d’Artagnan. Ông ta nhận thấy tiềm năng tiểu thuyết hóa ở nhân vật này và
bắt tay vào làm việc. Một thế kỷ rưỡi sau, Dumas kiếm được cuốn sách
trong một chuyến du lịch Marseilles. Người chủ nhà ông thuê có một người
anh em trông nom thư viện công cộng. Hình như người này trao cho Dumas
cuốn sách xuất bản năm 1700 ở Cologne. Dumas nhận ra rằng ông có thể
sử dụng cốt truyện nên liền hỏi mượn cuốn sách. Rồi chẳng bao giờ trả lại.”
“Chúng ta biết những gì về người tiền bối của Dumas, Gatien de
Courtilz?”
“Khá nhiều. Một phần là do cảnh sát còn lưu một tập tư liệu khá lớn về
ông ta. Ông ta sinh năm 1644 hay 1647 và là lính ngự lâm, một tay kèn
trong Royal Etranger, một kiểu đội quân lê dương ngoại quốc thời bấy giờ,
và là đại úy trung đoàn kỵ binh ở Beaupré-Choiseul. Khi cuộc chiến chống
lại người Hà Lan kết thúc, trận chiến mà d’Artagnan bị giết, Courtilz ở lại
Hà Lan và bỏ nghề binh theo nghiệp văn chương. Ông viết tiểu sử, chuyên
khảo lịch sử, những cuốn hồi ký ít nhiều hư cấu, những chuyện tầm phào
giật gân về những mưu mô trong cung đình nước Pháp. Việc này mang lại
phiền toái cho ông ta. Hồi ký của ngài d’Artagnan thành công đáng kinh
ngạc: năm lần xuất bản trong vòng mười năm. Nhưng cuốn sách khiến
Louis XIV không vui. Nhà vua không thích giọng điệu bất kính thường
xuyên kể hết chi tiết nọ về Hoàng gia và quần thần. Kết quả là Courtilz bị
bắt khi trở lại nước Pháp và bị giam ở Bastille để Hoàng thượng vui lòng
cho đến ít lâu trước khi ông chết.”
Người diễn viên tranh thủ khoảng thời gian tôi tạm dừng để chêm vào,
không đúng lúc tí nào, một đoạn trích trong Mặt trời lặn ở xứ Flandre của
Marquina. “Đại úy của chúng ta,” ông ta ngâm, “bị thương nặng, vẫn dẫn
đầu, bất chấp cơn đau khủng khiếp cuối cùng. Thưa các ngài, ngày ấy quả
thực có một đại úy như vậy…” Hay là gì đấy tương tự. Đó là một nỗ lực dơ