Không trả lời ngay, tôi liếc lại trang đầu tiên. Tựa đề được viết hoa nét
đậm: LE VIN D’ANJOU.
Tôi đọc to mấy dòng đầu tiên: “Après de nouvelles Presque désespérées
du roi, le bruit de sa convalescence commencait à se répandre dans le
camp… Sau những tin tức hầu như tuyệt vọng về nhà vua, lời đồn về sự hồi
phục của ngài bắt đầu lan truyền trong doanh trại…” Tôi không ngăn được
nụ cười.
Corso tỏ vẻ tán thành, yêu cầu tôi cho ý kiến.
“Không nghi ngờ gì,” tôi đáp, “đây là Rượu vang Anjou, chương thứ
bốn mươi mấy gì đó trong Ba người lính ngự lâm của Alexandre Dumas
bố. Hình như thế.”
“Bốn mươi hai,” Corso khẳng định. “Chương bốn mươi hai.”
“Đây là thứ thiệt chứ? Bản thảo gốc của Dumas à?”
“Đó là lý do tôi có mặt ở đây. Tôi muốn ông cho tôi biết.”
Tôi khẽ nhún vai tỏ vẻ không hào hứng gì.
“Sao lại là tôi?”
Đó là một câu hỏi vu vơ chỉ có tác dụng hoãn binh, dường như không
được nhũn nhặn lắm, bởi gã có vẻ mất kiên nhẫn.
“Ông là chuyên gia,” gã đáp lại khô khốc. “Với tư cách nhà phê bình
văn học có ảnh hưởng nhất xứ Tây Ban Nha, ông biết mọi thứ cần biết về
các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế kỷ mười chín.”
“Ông quên mất Stendhal.”
“Không hề. Tôi đọc cuốn Tu viện thành Parme do ông dịch rồi.”
“Thật ư. Rất vinh hạnh.”
“Đừng như thế. Tôi thích bản dịch của Consuelo Berges hơn.”
Chúng tôi cùng cười. Tôi tiếp tục thấy gã dễ thương, và bắt đầu hình
dung được con người gã.
“Ông có biết cuốn sách nào của tôi không?” tôi hỏi.