“Hẳn ông điên rồi. Nếu bán tất cả chỗ này, ông sẽ chẳng còn vấn đề gì
về tiền nong nữa.”
“Tôi biết.” Fargas cúi xuống chỉnh lại một cuốn sách hầu như không
thấy lệch khỏi vị trí. “Nhưng nếu bán hết chúng đi, tôi đâu còn lý do để tiếp
tục sống. Vì vậy tôi chẳng để ý là có hay không có vấn đề tiền bạc.”
Corso trỏ một cuốn nằm giữa một hàng sách trong tình trạng rất tệ. Có
mấy cuốn sách in từ thời kỳ sơ khai và mấy bản viết tay. Từ cách đóng bìa
có thể thấy chẳng có cuốn nào chào đời sau thế kỷ mười tám.
“Ông có rất nhiều truyện hiệp sĩ cổ.”
“Phải. Cha tôi để lại. Ám ảnh suốt đời ông là kiếm đủ chín mươi lăm
cuốn trong bộ sưu tập Don Quijote, đặc biệt là những cuốn bị nhà thờ loại
bỏ. Ông để lại cho tôi cuốn Don Quijote lạ lùng ở bên kia, cạnh bản in đầu
tiên cuốn Os Lusiadas. Đó là bộ bốn tập của nhà Ibarra năm 1789. Ngoài
những bức minh họa tương ứng, còn có thêm sáu bức tranh màu nước in ở
Anh vào nửa đầu thế kỷ mười tám và một bản facsimile giấy khai sinh của
Cervantes in trên giấy hảo hạng. Mỗi người có một nỗi ám ảnh riêng. Trong
trường hợp cha tôi, một nhà ngoại giao sống nhiều năm ở Tây Ban Nha,
mọi nỗi ám ảnh với ông đều xoay quanh Cervantes. Ở một số người đó là
một chứng cuồng. Họ không chấp nhận công việc phục chế, ngay cả khi nó
không lưu lại dấu vết gì, hoặc họ sẽ không mua một cuốn sách được xếp
hạng quá năm mươi… Đam mê của tôi, như ông thấy, là những cuốn sách
nguyên gốc. Tôi sục sạo khắp các quầy sách và các phòng đấu giá, thước kẻ
trên tay, bàng hoàng rủn gối mỗi khi tìm thấy một cuốn còn nguyên, chưa
bị đào bới. Ông đã đọc câu chuyện hài hước của Nodier về người sưu tầm
sách chưa? Chuyện xảy ra với tôi đúng như thế. Tôi sẵn lòng bắn chết bất
kỳ một tay thợ đóng sách nào nếu hắn dùng máy xén giấy quá vụng. Tôi
cực kỳ hạnh phúc nếu phát hiện một bản in để lề rộng hơn hai milimet so
với thứ được mô tả trong các thư mục chuẩn.”
“Tôi cũng sẽ làm thế.”
“Vậy thì xin có lời khen. Hoan nghênh người anh em.”