“Chớ vội thế. Thực chất tôi quan tâm nhiều đến kinh tế hơn là mỹ học.”
“Không sao hết. Tôi ưa ông. Tôi tin là khi đến với sách, đạo lý thông
thường không tồn tại nữa.” Lão đứng từ phía bên kia căn phòng nghiêng
đầu về phía Corso mà nói như đang thổ lộ tâm tình. “Ông biết không?
Người Tây Ban Nha các ông có câu chuyện về một người bán sách ở
Barcelona phạm tội giết người. Là tôi thì tôi cũng có thể giết người vì một
cuốn sách.”
“Tôi không khuyên ông làm chuyện đó. Đó chỉ là khởi đầu. Giết người
chẳng có vẻ là chuyện gì ghê gớm, nhưng rồi ông sẽ phải dối trá suốt đời,
như đi bỏ phiếu bầu cử chẳng hạn.”
“Ngay cả bán đi những cuốn sách của chính mình.”
“Ngay cả như vậy.”
Fargas buồn bã lắc đầu. Lão nhăn nhó đứng như vậy một hồi. Rồi lại
gần soi mói nhìn Corso một lúc.
“Điều gì dắt dẫn chúng ta,” sau cùng lão nói, “tới với những vấn đề
khiến tôi lao tâm khổ tứ khi ông rung chuông cửa… Mỗi lần phải đương
đầu với chuyện này, tôi thấy mình như một nhà tu hành từ bỏ đức tin. Ông
có ngạc nhiên không khi tôi buộc phải nghĩ nó như một điều báng bổ?”
“Không gì hết. Tôi nghĩ nó đúng là như thế.”
Fargas đau khổ vặn vẹo hai tay. Lão nhìn quanh căn phòng trống và
đống sách trên sàn, rồi quay lại nhìn Corso. Nụ cười của lão có vẻ đầy
gượng gạo.
“Phải. Báng bổ chỉ có thể biện hộ bằng đức tin. Chỉ một tín đồ mới cảm
được tầm vóc kinh khủng của hành vi đó. Chúng ta không cảm thấy khiếp
sợ khi xúc phạm một tín ngưỡng mình không quan tâm. Giống như một kẻ
vô thần buông lời bất kính. Thật ngớ ngẩn.”
Corso đồng ý. “Tôi biết ông muốn nói gì. Như Julian the Apostate
gào lên, ‘Ngươi thắng rồi, O Galilean.’”
“Tôi không quen câu này lắm.”