khuây, chẳng cần phân biệt thị hiếu này thị hiếu kia, chẳng cần biết hay dở,
ở cái thời không có ti vi hay radio… Dumas là một thiên tài, ông ấy hiểu
điều này. Giống như nhà giả kim thuật trong phòng thí nghiệm, ông thêm
vào một chút thứ này, một chút thứ nọ, và bằng tài năng của mình tạo ra
một thứ ma túy hấp dẫn vô số con nghiện.” Tôi vỗ ngực, không khỏi có
chút hãnh diện. “Thậm chí càng ngày càng nhiều.”
Corso ngồi ghi chép. Rành mạch, bất chấp đạo đức và nguy hiểm như
một con rắn đen châu Phi, sau này một người quen gã mô tả như vậy khi
cái tên gã được nhắc tới trong câu chuyện. Gã thường nhìn người đối diện
chằm chặp qua cặp kính vẹo vọ và thong thả gật đầu đồng tình với nét mặt
thích hợp, đầy ý nghĩa nhưng đáng ngờ, giống như một ả gái điếm ngồi
nghe bài thơ trữ tình một cách bao dung. Như thể sẵn lòng cho đối phương
một cơ hội sửa sai trước khi quá muộn.
Lát sau, gã ngừng lại rồi ngẩng đầu lên. “Nhưng không phải ông chỉ viết
tiểu thuyết ăn khách. Ông là một nhà phê bình văn học có tiếng trên những
lĩnh vực khác…” gã ngập ngừng, tìm từ, “… nghiêm túc hơn. Bản thân
Dumas chỉ coi những tiểu thuyết của mình như là thứ văn chương dễ dãi.
Có phần nào thiếu tôn trọng độc giả.”
Đây là chiến thuật quen thuộc của gã. Một trong những nét đặc trưng
của gã, giống như Rocambole chìa ra một quân bài thay vì tấm danh thiếp.
Corso có thể phát biểu một câu rất bâng quơ, hồ như chẳng có ý gì, nhưng
lại ngấm ngầm kích thích người đối thoại. Trong khi tranh luận, nếu anh
xúc động, anh sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn cho đối phương. Tôi không
ngốc và tôi biết Corso muốn gì, nhưng ngay cả vậy tôi vẫn cảm thấy bị kích
động.
“Đừng, cứng nhắc thế,” tôi đáp. “Thể loại truyện nhiều kỳ có rất nhiều
món chỉ ăn được một lần, nhưng Dumas vượt xa tất cả. Trong văn học, thời
gian giống như một vụ đắm tàu theo ý Chúa
. Tôi thách ông chỉ đích danh
một vị anh hùng tưởng tượng nào mà lại sống sót mạnh khỏe như
d’Artagnan và các bạn anh ta đấy. Sherlock Holmes có lẽ là một ngoại lệ.
Đúng, Ba người lính ngự lâm là điển hình của tiểu thuyết phiêu lưu lãng