Pinto ngoác miệng cười. Không gì không giải quyết được, vẻ mặt hắn
nói thế. Chừng nào tôi với anh còn hợp rơ nhau. “Bảo đảm ta sẽ thu xếp
đâu vào đấy,” hắn trả lời.
Đến lượt Corso cười. Gã gặp Amilcar Pinto bốn năm trước. Có mấy
cuốn sách bị ăn cắp xuất hiện ở hội chợ sách Ladra – thật tệ. Corso tới
Lisbon nhận dạng chúng, Pinto xích tay mấy người, và trên đường trở về
với chủ nhân của chúng, vài cuốn sách cực kỳ giá trị vĩnh viễn biến mất. Để
chúc mừng tình bạn thành công, Corso và Pinto uống với nhau trong quán
cà phê nhạc ở Barrio Alto. Viên cựu trung sĩ dù nhớ lại thời còn ở thuộc
địa, kể lại vì sao suýt nữa hắn bị bay mất hai cái hòn trong trận Gorongosa.
Hai người kết thúc bằng bài “Grândola Vila Morena”
Santa Luzia. Dưới ánh trăng, quận Alfama trải dài dưới chân họ, xa xa
dòng Tagus mênh mông lấp lánh như một dải lụa bạc. Những bóng thuyền
đen thẫm chậm chạp trôi theo hướng tháp Belem và Đại Tây Dương.
Người phục vụ mang cà phê tới cho Pinto theo yêu cầu của hắn. Corso
không nói gì cho đến khi người đó đi khỏi.
“Là về một cuốn sách.”
Viên cảnh sát nghiêng mình trên cái bàn nhỏ, bỏ đường vào ly cà phê.
“Bao giờ cũng là về một cuốn sách,” hắn trầm giọng nói.
“Cuốn này đặc biệt.”
“Cuốn nào mà chẳng đặc biệt?”
Corso cười sắc lạnh. “Ông chủ không muốn bán.”
“Thế thì tệ thật.” Pinto uống một ngụm rồi thưởng thức hương vị cà phê.
“Mua bán là chuyện tốt. Hàng hóa luân chuyển, đến và đi. Tạo ra của cải,
đem lại tiền bạc cho người đứng giữa…” Hắn đặt cốc xuống rồi chùi hai
tay vào quần. “Sản phẩm phải được lưu thông. Đấy là quy luật của thị
trường, của cuộc sống. Không bán là phải bị cấm: nó gần như một tội ác.”
“Đồng ý,” Corso nói. “Ta cần làm gì đó với nó.”