“Đây là một trong những bản thảo viết tay gửi sang Mỹ của Dumas,”
Replinger giải thích. “Lincoln hỏi xin một bản, Dumas liền gửi cho ông ta
mười đô la và một trăm bản viết tay. Chúng được mang bán ở Pittsburgh
với mục đích từ thiện.” Hắn chìa cho Corso xem toàn bộ số tư liệu với vẻ tự
hào nghề nghiệp rõ rệt dù đã kiềm chế. “Nhìn này. Đây là một tấm thiệp
mời tới ăn tối với Dumas ở Montecristo, tại nhà ông ở Port Marly. Đôi khi
ông chỉ ký với chữ cái đầu, đôi khi lại dùng biệt hiệu. Nhưng không phải tất
cả chữ ký trôi nổi trên thị trường đều là thứ thiệt. Ở tòa soạn báo Lính ngự
lâm thuộc sở hữu của Dumas, có một người tên là Viello có thể bắt chước
cách viết và chữ ký của ông. Và trong ba năm cuối đời tay Dumas bị run
đến nỗi ông phải đọc tác phẩm của mình cho người khác chép lại.”
“Tờ màu xanh có ý nghĩa gì?”
“Loại giấy từ Lille gửi tới. Do một người thợ in rất ngưỡng mộ ông làm
ra. Ông thường dùng màu này, nhất là với tiểu thuyết. Thỉnh thoảng ông
dùng màu hồng nhạt khi viết báo, hoặc màu vàng cho thơ. Ông cũng dùng
vài thứ bút khác nhau, tùy theo lúc đó đang viết thứ gì. Và không bao giờ
dùng mực màu xanh lam.”
Corso trỏ bốn trang giấy màu trắng có những ghi chú và sửa chữa.
“Những chỗ này thì sao?”
Replinger nhăn mặt. “Maquet. Người cộng tác với ông, Auguste
Maquet. Đấy là Dumas sửa lại bản gốc.” Hắn vuốt ve bộ ria mép. Rồi cúi
xuống đọc to với giọng sân khấu, “‘Kinh khủng! Kinh khủng!’ Athos lẩm
bẩm trong khi Porthos đập tan những cái chai và Aramis ra lệnh hơi có chút
muộn màng rằng hãy mời giáo sĩ tới nghe lời xưng tội…” Replinger thở dài
rồi ngừng lại. Hắn gật đầu, thỏa mãn, rồi cho Corso xem một trang. “Nhìn
này, Maquet chỉ viết: ‘Và gã thở hắt ra trước mặt mấy người bạn
d’Artagnan trong cơn kinh hoảng.’ Dumas xóa hết dòng này và thêm vào
những đoạn kia ở bên trên, thêm lời thoại cho đoạn văn dày dặn phong phú
hơn.”
“Ông biết gì về Maquet?”