“Rõ ràng,” La Ponte tiếp tục, “cuốn Persiles là ấn bản đầu tiên. Bìa sách
có chữ ký của Trautz-Bauzonnet.”
Corso lắc đầu. “Của Hardy. Bằng da Marốc.”
“Càng hay. Dù sao tôi cũng đã thề không dính dáng gì tới nó. Anh biết
tôi ác cảm với chuyện kiện tụng mà.”
“Nhưng không ác cảm với ba mươi phần trăm lợi nhuận.”
La Ponte giơ tay đầy vẻ đường hoàng. “Dừng ở đây. Đừng lẫn lộn việc
làm ăn với thú vui, Corso. Tình bằng hữu tốt đẹp của ta là một chuyện, nồi
xúp của đám con tôi là chuyện khác.”
“Cậu chẳng có đứa con nào hết.”
La Ponte nhìn gã láu lỉnh. “Cho tôi thời gian. Tôi còn trẻ mà.”
Hắn vóc người không cao, dễ coi, phong nhã và khá bảnh. Mớ tóc trên
đỉnh đầu hơi mỏng, hắn vuốt nó xuống bằng tay, sau đó kiểm tra lại dung
mạo trong chiếc gương của quầy bar. Rồi đưa mắt nhìn quanh xem xét các
bà. Hắn luôn chừng mực và thích dùng câu ngắn trong đối thoại. Cha hắn,
một người buôn sách rất trí thức, đã dạy hắn viết bằng cách đọc cho hắn
những bài luận của Azorín
. Ngày nay rất ít người còn đọc Azorín,
nhưng La Ponte vẫn thích ghép câu kiểu Azorín. Với nhiều dấu chấm câu.
Cái đó mang lại cho hắn sự tự tin khi đối diện với các nữ khách hàng quyến
rũ tại gian trong cửa hàng của hắn ở Calle Mayor, nơi hắn cất giữ những tác
phẩm ái tình cổ điển.
“Dù sao đi nữa,” hắn thêm, “tôi còn mấy chuyện làm ăn dở dang với
Armengol & Sons. Khá nhạy cảm, nhưng tôi có thể nhanh chóng kiếm chút
lời.”
“Cậu cũng có công chuyện với tôi nữa,” Corso vừa nói vừa hớp một
ngụm bia. “Cậu là gã buôn sách kiết xác duy nhất tôi chịu hợp tác. Và cậu
sẽ là người bán những cuốn sách đó.”
“Được rồi, được rồi,” La Ponte điềm đạm trả lời. “Anh biết tôi là người
thực tế. Một kẻ thực dụng xoàng xĩnh.”