Hai con chó trong bức họa đánh nhau chí tử kia lúc này dường như báo một
điềm gở. Mình và Rochefort ư? “Và cả hai bị xé thành từng mảnh.”
Bà Nam tước liếc nhìn gã dửng dưng. Chính Corso là người đưa ra ngữ
cảnh này, chứ không phải bà.
“Ý nghĩa cơ bản của bức họa thứ tám,” bà nói, “không có gì khó hiểu.
VIC. I.T VIR. ứng với câu nói khá hay, VICTA IACET VIRTUS. Nghĩa là
Đức hạnh lừa dối kẻ chiến bại. Trinh nữ sắp bị một người đàn ông mặc áo
giáp cầm kiếm cắt cổ, tượng trưng cho đức hạnh. Trong khi đó thì bánh xe
định mệnh, hay số phận, cứ quay một cách tàn nhẫn ở phía sau, chầm chậm
nhưng chắc chắn sẽ hết vòng. Ba hình người trên đó tượng trưng cho ba thì
mà ở thời Trung cổ người ta gọi là regno (Ta đang trị vì), regnavi (Ta đã trị
vì), và regnabo (Ta sẽ trị vì).”
“Vẫn còn một bức họa nữa.”
“Phải. Bức cuối cùng và cũng là bức tranh nhiều ý nghĩa nhất. N.NC
SC.O TEN.BR. LUX, không nghi ngờ gì có nghĩa là NUNC SCIO
TENEBRIS LUX: Bây giờ ta biết là ánh sáng sẽ đến từ bóng tối. Cái mà ta
có ở đây thực ra là hình ảnh trong sách Khải huyền của thánh John. Phong
ấn cuối cùng bị phá, tòa thành bí mật bốc cháy. Thời đại của ả điếm
Babylon đã đến, ả cưỡi con rồng bảy đầu, đắc thắng hô to danh tính hay mã
số khủng khiếp của Ác thú.”
“Dường như chẳng có nghĩa lý gì nếu vượt qua bấy nhiêu rắc rối chỉ để
tìm thấy điều khủng khiếp này.” Corso nói.
“Đấy không phải điều nó muốn nói. Toàn bộ những lời phúng dụ đều là
những tổ hợp mã dưới dạng tranh đố. Giống như trên một trang đố chữ có
từ in với hình vẽ cái quạt fan và cái cây tree tạo thành từ infantry, những
bức minh họa này cùng với lời chú thích, kết hợp với văn bản trong cuốn
sách, cho phép xác định một chuỗi sự kiện hay một nghi thức. Công thức
cho ta câu thần chú. Như kiểu verbum dimissum hay gì đấy.”
“Và rồi quỷ xuất hiện.”
“Về lý thuyết thì thế.”