Cô quay lại nhìn gã mỉa mai, ngụ ý rằng câu hỏi của gã đúng là ngớ
ngẩn.
“Rõ ràng người ta muốn thứ gì đấy của ông.”
“Bản thảo Dumas? Hay Chín cánh cửa?”
Cô gái thở dài. Chẳng có thứ nào cực kỳ quan trọng hết, có vẻ như cô
muốn nói vậy.
“Ông là người khôn ngoan, ông Corso,” sau cùng cô nói. “Bây giờ ông
cần có một giả định.”
“Tôi có quá nhiều. Cái tôi cần là một bằng chứng.”
“Một cá nhân không phải lúc nào cũng cần chứng cớ.”
“Đấy chỉ là trong tiểu thuyết hình sự. Tất cả những chuyện Sherlock
Holmes hay Poirot phải làm là đoán xem hung thủ là ai và hắn phạm tội ra
làm sao. Ông ta sáng tác phần còn lại rồi kể lại như thể biết nó là sự việc
thật. Rồi Watson hay Hastings sẽ thán phục mà nói, Quá tốt rồi. Chính xác
đó là cái đã xảy ra. Và kẻ giết người nhận tội. Thật ngu xuẩn.”
“Xin có lời khen ngợi ông.”
Lần này giọng cô không còn mỉa mai nữa. Cô nhìn gã chăm chú, chờ gã
nói hay làm gì đó.
Corso khó chịu chuyển thế đứng. “Tôi biết,” gã nói. Cô gái vẫn nhìn
chằm chằm, như thể thực sự cô chẳng có gì phải giấu giếm. “Nhưng tôi tự
hỏi vì sao.”
Gã suýt nữa thì nói thêm, “Đó là đời thực, mà không phải là tiểu thuyết
tội phạm,” nhưng lại thôi. Ở thời điểm này của vở kịch, ranh giới giữa
tưởng tượng và thực tế tương đối mỏng manh. Gã Corso bằng xương bằng
thịt có giấy căn cước, có chỗ ở cố định, kẻ mà cái hiện thân vật chất với bộ
xương đau nhức – sau phân cảnh trên những bậc thang đá – là một bằng
chứng, đang càng lúc càng bị cám dỗ muốn tự xem mình như một nhân vật
thực trong thế giới ảo. Nhưng chuyện đó không hay ho gì. Từ đấy cho đến
chỗ tin rằng gã là một nhân vật ảo nghĩ mình có thực trong thế giới ảo chỉ