nhà văn và tác phẩm bị bỏ quên, xúc tiến việc tái bản và bán sách dưới cái
tên có lẽ ông không lạ gì: Dumas & Co.”
“Tôi biết,” Corso nói. “Nó có cơ sở ở Paris và vừa xuất bản toàn bộ tác
phẩm của Ponson du Terrail. Năm ngoái là Fantomas. Không ngờ ông có
phần trong đó.”
Tôi cười. “Quy luật là: không tên tuổi, không vai trò nổi bật… Ông sẽ
thấy, vấn đề mang tính uyên bác và đồng thời là sự ngây thơ trẻ con. Trò
chơi hoài niệm văn chương sưu tầm lại những tiểu thuyết thất lạc từ lâu, nó
đưa chúng tôi về lại với sự trong trắng của mình, về lại với bản tính thật
mình từng có. Khi trưởng thành, bọn tôi ngưỡng mộ Flaubert hay thích
Stendhal, hoặc Faulkner, Lampedusa, García Marquez, Durrel, Kafka. Bọn
tôi trở nên khác nhau, thậm chí còn trở thành đối lập nhau. Nhưng tất cả
bọn tôi chia sẻ một khoảnh khắc thông đồng bí mật khi nói về những tác
giả và những cuốn sách kỳ diệu. Những thứ khiến ta khám phá văn học mà
không buộc ta phải oằn mình dưới những giáo điều hay dạy ta những luật lệ
phải tuân theo. Đây là di sản chung mà bọn tôi thực sự thừa kế: những câu
chuyện trung thành với điều người ta mơ chứ không phải với điều người ta
thấy.”
Tôi để bài nói lửng lơ và ngừng lại, chờ đợi hiệu quả của nó. Nhưng
Corso nhấc kính lên nhìn ra chỗ sáng. Đó là lĩnh vực quen thuộc của gã.
“Đấy là trước đây,” gã trả lời. “Nay thì trẻ con lẫn đám thanh niên,
chẳng đứa nào thừa kế di sản tinh thần. Tất cả bọn chúng đều xem ti vi.”
Tôi lắc đầu. Tôi đã viết một bài về chính chủ đề này cho phụ trương văn
học của báo ABC mấy tuần trước. “Tôi không đồng ý. Ngay cả như vậy,
bọn chúng vẫn đang đi trên bước chân người xưa dù tự chúng không biết.
Phim hay truyền hình, chẳng hạn thế, đều duy trì những mối liên hệ. Những
phim ảnh ngày xưa. Thậm chí Indiana Jones cũng là con cháu trực hệ của
những thứ đó.”
Corso nhăn mặt hướng về cái cửa sổ kiểu Pháp. “Có thể. Nhưng ông
đang kể về những người này. Tôi rất muốn biết bằng cách nào ông… chiêu