Nhà tiên tri Daniel, Hippocratess, Flavius Josephus, Albertus Magnus và
Leon III đều đề cập đến cuốn sách kỳ diệu này. Con người mới chỉ biết viết
từ sáu ngàn năm trước, nhưng nghe đồn là Delomelanicon có niên kỷ gấp
ba lần thế. Bản đầu tiên được nhắc đến dùng giấy cói Turis từ ba mươi ba
thế kỷ trước. Thế rồi, trong khoảng thời gian từ năm thứ nhất trước Công
nguyên đến năm thứ hai Công nguyên, nó được trích dẫn vài lần trong
Corpus Hermeticum – Tổng tập các trước tác bí truyền. Theo
Asclemandres, cuốn sách cho phép ‘đối mặt với Ánh sáng Thần thánh’. Và
trong một biên bản kiểm kê không toàn vẹn ở thư viện Alexandria, trước
khi nó bị phá hủy lần thứ ba và cũng là lần cuối vào năm 646, có một danh
mục tham khảo đặc biệt cho chín bí ẩn kỳ diệu chứa đựng bên trong sách…
Chúng ta không biết có một, một vài, hay chẳng có bản sao nào còn sót lại
sau trận hỏa tai ở thư viện… Kể từ đó, dấu vết của nó lúc ẩn lúc hiện suốt
tiến trình lịch sử, qua khói lửa, chiến tranh và thảm họa.
Corso có vẻ phân vân. “Bao giờ cũng thế. Mọi cuốn sách về pháp thuật
đều có chung xuất xứ: từ Thoth
… Từng có khách
hàng say mê thuật giả kim nhờ tôi tìm cuốn danh mục sách được
Fulcanelli
và môn đồ của ông ta trích dẫn. Tôi không sao thuyết phục
được ông ta rằng nửa cuốn cũng không còn.”
“Những cuốn này thì chắc chắn tồn tại. Nó phải tồn tại, vì Tòa án Dị
giáo đã liệt nó vào danh mục sách cấm. Anh không nghĩ thế à?”
“Tôi nghĩ thế nào không quan trọng. Các luật sư không tin thân chủ
mình vô tội nhưng vẫn cãi cho họ trắng án.”
“Trường hợp này cũng thế. Tôi thuê anh không phải vì anh tin mà vì anh
được việc.”
Corso lật thêm mấy trang. Một bức tranh khắc đánh số I thể hiện một tòa
thành có tường bao quanh nằm trên một ngọn đồi. Một kỵ sĩ kỳ quái không
mang vũ khí đi hướng về tòa thành, ngón tay đặt trên môi ra dấu im lặng
hay đồng lõa. Phía dưới ghi: NEM.PERV.T.QUI N.N LEG. CERT.RIT.