“Đây là một mã rút gọn nhưng có thể đoán được,” Borja giải thích.
“Nemo pervenit qui non legitime certaverit.”
“Chỉ có người chiến đấu đúng cách mới giành được thắng lợi.”
“Đại khái thế. Cho đến giờ chỉ mới giải mã được một trong số chín câu
đề, mà lại không mấy chắc chắn. Trong tác phẩm của Roger Bacon, chuyên
gia về ma quỷ học, ma thuật và mật mã, có một câu gần giống hệt như thế.
Bacon tuyên bố mình có sở hữu một cuốn Delomelanicon từng thuộc về
vua Solomon trong đó có chìa khóa giúp hé lộ những bí mật khủng khiếp.
Đó là một cuộn da dê có minh họa. Nó bị thiêu hủy năm 1350 do lệnh riêng
của Giáo hoàng Innocent VI, ngài từng tuyên bố, ‘Nó chứa đựng công pháp
triệu vời ác quỷ.’ Ba thế kỷ sau, ở Venice, Aristide Torchia quyết định in nó
với những minh họa gốc.”
“Chúng quá đẹp,” Corso phản đối. “Không thể là bản gốc: bản gốc phải
có phong cách cổ xưa hơn.”
“Đồng ý. Hẳn là Torchia đã cập nhật nó.”
Một bức tranh khác, đánh số III, vẽ một cái cầu vắt qua sông với hai
tháp canh ở hai đầu. Corso ngẩng lên thấy Borja đang mỉm cười bí hiểm,
giống như một nhà giả kim thuật tin tưởng vào sản phẩm trong lò luyện của
mình.
“Còn một mắt xích cuối cùng,” lão buôn sách nói. “Giordano Bruno, kẻ
tuẫn nạn vì theo chủ nghĩa duy lý, nhà toán học và là người đấu tranh cho
thuyết Trái đất quay quanh Mặt trời…” Lão phẩy tay tỏ vẻ những thứ đó
chẳng đáng gì. “Nhưng đó chỉ là một phần sự nghiệp của ông ta. Ông ta đã
viết sáu mươi mốt cuốn sách và ma thuật chiếm vị trí quan trọng trong đó.
Bruno có nhắc tới Delomelanicon, thậm chí còn dùng cả những từ Hy Lạp
delo và melas, rồi nói thêm: ‘Có chín cánh cửa bí mật trên lộ trình của
những người muốn biết.’ Ông ta còn mô tả phương pháp khiến cho Thần
quang lại một lần nữa sáng lên. ‘Sic luceat Lux – Thần quang xán lạn
dường này’, ông ta viết, quả là một châm ngôn.” Borja chỉ cho Corso dấu
ấn của nhà in: một cái cây bị sét giáng chẻ làm đôi, một con rắn quấn quanh