Nhưng tôi không hiểu được rằng người ta sợ một cuộc đấu gươm. Phải
chăng vì tôi thấy đấy là dịp để được ngang hàng với một kẻ giàu có, thậm
chí làm cho kẻ giàu có ấy đổ máu, đổ máu trầm trọng, nếu mũi gươm thọc
vào sâu?…
Phải chăng vì tôi tưởng rằng người ta không thể giết được tôi? Tôi tự
cảm thấy mình thừa sức lực! Chết ư, thôi đi! Tôi còn có việc làm trước khi
chết!
Tự xét mình, tôi thấy rằng tôi có, không kém gì những tay ăn chơi kia,
cái họ gọi là dũng khí của người quý tộc. Tôi sẽ không thiếu can trường ở
trên bãi đấu.
Chà! Tôi tin chắc như thế! Đã có hai ba dịp để thi thố. Chúng tôi lăn
xả vào, Lơgrăng và tôi.
Chúng tôi tới mức, ham đấm đá, hăm hở tóm lấy cơ hội. Tôi thấy như
mình sẽ lớn lên khi cầm lưỡi thép tuyệt vời ấy, mình cũng sẽ nguôi lòng khi
giết một người, một trong những kẻ coi những ai đứng dưới một lá cờ là
ngu dại.
Chắc chắn chúng tôi sẽ đi tới một cuộc đấu gươm với bất cứ ai, nếu
một hôm ông bố Lơgrăng không bảo với con trai:
- “Mày muốn đi Pari à? – Thì đấy, cho mày đi! Mỗi tháng tao sẽ gửi
cho mày một trăm phơrăng.”
Lơgrăng muốn tôi đi cùng.
Tôi nói chuyện với thầy tôi, ông lại làm bộ mặt giá lạnh, cái điệu hăm
dọa – cảnh sát ở đằng đầu kia. Tôi vẫn chưa đến tuổi thành niên!
Tôi đã chúc cho Lơgrăng may mắn, trao cho anh những thư giới thiệu
với đám bạn tôi, rồi từ cửa sổ ngôi nhà buồn bã tôi nhìn theo làn khói lượn
trên con tàu thủy; tôi nhìn về phía Pari, tái mặt, bực bội. – Tại sao người ta
giữ tôi ở đây?