Chiếc ba-đờ-xuy đó mầu vàng - một mầu vàng khác thường, với nhiều
cúc to tướng trông thật xấu trên nền vải thô cứng đó. Chiếc áo có vẻ bị thổ
tả.
Ở phố Viơ-Ôguxtanh hay trên các đại lộ người ta không để ý tới nó,
hoặc giả tôi không nhận ra điều đó, nhưng ở đây thì nó làm kinh động.
Người ta ngỡ là tôi muốn bán áo; đám thanh niên thì ghê tởm quay đi,
nhưng đám buôn áo cũ thì sán tới.
Họ cầm lấy vạt áo, sờ vào bộ cúc, như thầy thuốc chữa bệnh đậu mùa,
rồi bỏ đi; nhưng chẳng ai trả tôi một giá. Họ lắc đầu chán nản, như thể dạ
kia là lần da bệnh tật mà tôi thì đi đời mất.
Và chiếc ba-đờ-xuy, nó mới nặng làm sao chứ!
Chạy theo hết người này đến người nọ, gió lộng, và cả khối vải nặng
trên tay, cuối cùng tôi đến kiệt sức, đói như cào, thèm rượu.
Tôi đã ăn một chiếc bánh mì con, uống hai nửa góc chai, mà tôi vẫn
còn khát, vẫn còn đói! Thêm cái bệnh ăn không biết no nữa!
Chẳng thấy Matutxanh, chẳng thấy Roayani!
Tôi bèn quyết định là vào hẳn giảng đường. Tôi đã gây xúc động lớn,
nhưng vẫn không thấy người tôi tìm.
Các lớp học lần lượt vợi người. Học sinh lần lượt ra về, các giáo sư
rút
lui. Chỉ còn lại mỗi mình tôi ở cầu thang, ở trong sân, - tôi với chiếc áo
choàng màu vàng.
Bác gác cổng đã để ý tới tôi, và đến lúc đẩy cánh cổng to trên bản lề
của nó, bác đưa mắt tò mò nhìn tôi; tôi như thấy cả sự hiền hậu trong mắt
bác.
Chắc từ khi ở cái trạm gác này bác đã trông thấy vô khối những anh
học trò nhút nhát, và những anh nhà nghèo. Hẳn bác đã nghe nói nhiều
chuyện kết thúc bi thảm và những bước đầu đau đớn, qua những trò chuyện
lõm bõm lọt vào tai bác. Có lẽ bác ta sẽ mách bảo tôi chăng.