Họ bắt đầu sợ khi thấy gần tới giờ rồi và lường trước những hậu quả
việc quyết định của tôi.
Tôi hoàn toàn bình tĩnh và cái mà họ gọi là sự nhẫn tâm của tôi chỉ là
cử chỉ và tiếng kêu của một ý chí không chịu lùi bước.
Chúng tôi lên đường.
“Mặt cậu tái đi! Côlinê bảo tôi.
- Mình chắc thế! – ngày mồng 2 tháng chạp mình cũng tái mặt đi.”
Tôi đã có một lúc yếu đuối.
Một mụ nghèo khổ đi qua: phải lúc khác, tôi sẽ chỉ cho mụ hai xu. Lúc
này tôi cho mụ hai mươi xu, để mụ chúc tôi: “Ông sẽ gặp điều may mắn”.
Tại Rôbanhxông khuất sau cây cối, các quán hội chợ vẫn có tiếng ồn
ào, nhưng vì cách xa nên nó như bị xé ra và chỉ vọng đến chỗ chúng tôi
từng mẩu nhạc man rợ.
Chúng tôi im lặng bước đi, Lơgrăng đi với các bạn anh và tôi đi với
các bạn tôi.
Côlinê thỉnh thoảng lại mở túi thuốc ra với bàn tay bứt rứt như để xem
có quên gì không, xem có đủ mọi thức cần thiết cho lát nữa không…
“Cậu nhớ cầm súng che đầu cho cẩn thận… như thế này này, cầm
nghiêng, thành lưỡi dao! Một nhân chứng nhắc lại với tôi.
- Cậu cứ để Lơgrăng bắn trước” một anh khác khuyên tôi.
Tôi hầu như không để tai nghe và tôi phác ra những cử chị khinh thị in
bóng lên con đường ngập ánh nắng. Bóng tôi in rõ nét như người bằng tôn
trên bức tường trắng ở chỗ bắn hôm qua; suýt nữa thì tôi tìm kiếm những
vết trắng trên quần áo tôi, những vết đạn trên người thằng bù nhìn…
Tôi chưa bao giờ là tôi cả dưới vòm trời này. Lúc nào tôi cũng bị ngạt
thở trong những bộ quần áo quá chật và may cho người khác, hoặc trong
những tập quán làm tôi bất bình, hoặc đè nén tôi. Vào hồi Đảo chính, tôi đã
nuốt nhiều bùn hơn là nhai thuốc súng. Ở trường học, ở Khu phố La-tinh,