- Anh nhìn tôi xem! Tôi đã già đi trước tuổi. Thế mà tôi chưa bao giờ
nghiện ngập, cũng chưa bao giờ lười nhác. Bao giờ tôi cũng làm ăn chăm
chỉ, vậy mà nay tôi đã năm mươi hai tuổi đầu mới gọi là tạm đủ ăn. Con
trai tôi phải giúp đỡ tôi. Chính nó sắm cho tôi đôi giày này. Nó đã có vợ,
thế là tôi đã cướp cơm đám con nhỏ của nó.
Giọng bác buồn bã đến nỗi tôi rưng rưng nước mắt.
- Hãy chùi nước mắt đi, cháu! Không phải là chuyện thương hại bác,
mà là phải suy nghĩ. Đừng có khăng khăng muốn làm thợ nữa!
Bắt đầu vào nghề muộn như thế này, cháu sẽ mãi mãi chỉ là một anh
thợ vụng, mà cháu sẽ khổ sở chính vì học thức của cháu. Dù cho là mình có
đầu óc phản kháng đến đâu, cháu vẫn còn mang tính học trò quá để vui vẻ
hòa mình với những kẻ dốt nát trong xưởng; mà họ cũng sẽ không ưa gì
cháu! Cháu chưa từng là một thằng nhãi Pari, cháu sẽ ra vẻ con nhà. Dù
sao, bác cũng nói thật với cháu: cuối đời vận áo thợ, là cuộc đời rách
rưới… Tất cả thợ thuyền đều kết thúc ở nơi làm phúc, chính phủ làm phúc
hay con cái làm phúc…
- Trừ phi họ chết ở Croa-Rutxơ!
- Thì cứ gì phải làm thợ cháu mới xông ra chết ở chiến lũy, nếu cuộc
sống nặng nề đối với cháu!… Thôi! Cháu cứ đứng ở phía chiếc áo
rơđanhgốt tàng, và làm như mọi người vẫn làm, khi buộc lòng phải xỏ tay
vào chiếc áo ấy. Cháu có thể gục ngã vì mệt mỏi và vì bần cùng như những
ông giám thị hay giáo sư mà cháu đã nói! Nếu cháu ngã xuống, xin chào!
Nếu cháu cầm cự được, cháu sẽ đứng thẳng giữa đám áo rơđanhgốt như
một người bênh vực chiếc áo thợ. Anh bạn trẻ ạ, ở đấy có một vị trí để
chiếm lĩnh! Vào tuổi cháu, chớ nên khôn ngoan quá! Đừng nên chỉ nghĩ
đến mình, đến mấy phơ răng một ngày, đến miếng ăn cứ thứ bảy nào cũng
rơi vào túi chiếc áo thợ của cháu… Như thế là có phần ích kỷ đấy, anh bạn
ạ!… Con người ta không nên nghĩ quá nhiều đến cái dạ dày của mình khi
người ta có cái mà hình như cháu có ở trong tim!
Bác ngừng lại, bắt tay tôi và bỏ đi.