này cả triệu lần rồi. Leslie còn học cùng lớp với con một nghị sĩ quốc hội.
Nó cứ định nói cho cô Edmunds biết chính Leslie cũng là bạn của một nghị
sĩ. Cô Edmunds cũng rất yêu quý Leslie.
Đối với Jess, bước vào Bảo tàng Mỹ thuật chẳng khác nào bước vào
khu rừng thông – mái đá vòm, đài phun nước và những rặng cây xanh rì
xung quanh sân. Jess thấy hai đứa bé đã tuột khỏi tay mẹ, chạy tung tăng, hò
hét vui vẻ và nó phải cố kiềm chế để không túm chúng lại và dạy chúng phải
biết giữ trật tự tại nơi thiêng liêng như thế này.
Những phòng tranh mới thật vĩ đại làm sao. Hết phòng tranh này đến
phòng tranh khác, hết sàn này sang sàn khác. Jess thật sự choáng ngợp trong
muôn màu, muôn vẻ và sự hoành tráng của viện bảo tảng và cả với giọng
nói êm dịu và mùi nước hoa man mác của cô Edmunds lúc nào cũng đi bên
cạnh nó. Cô thi thoảng lại cúi sát mặt nó, để giải thích hay hỏi một vài câu gì
đó; mái tóc đen nhánh của cô xòa cả trên vai nó. Một vài người đàn ông thay
vì ngắm tranh lại đổ dồn mắt ngắm cô Edmunds. Chắc họ phải ghen tị với
nó vì nó được ở bên cô.
Mãi quá trưa, hai cô trò mới vào một nhà hàng ăn bữa trưa. Khi cô giáo
đề cập đến ăn trưa, nó mới hoảng hốt nhớ ra là mình chẳng có một xu dính
túi. Jess loay hoay chưa tìm ra cách nào để nói với cô Edmunds rằng, nó đi
không mang theo xu nào mà cũng chẳng có để mà mang nữa. Trước khi Jess
kịp có thời gian nghĩ ra điều gì đó thì cô Edmunds đã nói một cách dứt
khoát. – Bây giờ chúng ta không bàn đến việc ai trả tiền nhé Jess Aarons, cô
là một người tự do và khi cô mời một người đàn ông nào đó đi ăn là cô sẽ trả
tiền.
Trước khi Jess kịp nghĩ cách nào đó để chống chế mà không đề cập đến
việc thanh toán tiền ăn thì cô Edmunds đã đặt một xuất ăn giá ba đô la cho
nó rồi. Nó nghĩ cô không cần phải chi một khoản tiền lớn như vậy cho bữa
ăn của mình. Ngày mai nó sẽ tham khảo Leslie xem nên xử lí việc này thế
nào cho ổn thỏa.