Phan không hiểu tâm sự của tôi. Thấy mặt tôi bỗng dưng xịu xuống, nó
thò lỏ mắt nghiêng ngó:
-Sao? Không nghĩ ra được cách nào hay hơn tao phải không?
-Ờ.
Tôi thở dài, tính nói xấu nhỏ Thắm một câu cho hả tức nhưng cuối cùng
tôi kiềm lại được. Sáng nay, lúc vừa đặt chân vô lớp tôi đã hấp tấp đảo mắt
nhìn quanh. Tuy giận nhỏ Thắm, tôi vẫn nơm nớp sợ nó bỏ học vì xấu hổ.
Gỉa như nó đến lớp, tôi e nó sẽ không chịu đựng nổi những lời chọc ghẹo của
bạn bè. Nhưng nhỏ Thắm làm tôi ngạc nhiên vô kể. Nó không những ôm cặp
đi học bình thường, tôi thấy nó vẫn cười nói tự nhiên với đám bạn gái trong
lớp như không hề có gì xảy ra.
Có lẽ bạn bè không nỡ trêu nó, hoặc không nghĩ ra lý do gì để trêu. Ờ, làm
sao tụi bạn có thể nghĩ nó là nhân vật chính trong câu chuyện lùm xùm này.
Nó mới mười bốn tuổi mà. Hơn nữa trong thời gian đó thị trấn đang ồn lên
chuyện chị Hoè lấy chồng. Thế là thiên hạ lập tức quên ngay tờ giấy dán
trước nhà bà ƯỚC, một phần vì người ta không hiểu nội dung của nó định ám
chỉ điều gì. Có người đoán đó chỉ là trò nghịch ngợm của lũ tiểu yêu trong
khu chợ. So với chuyện nhắng nhố trẻ con đó, hoa khôi lấy chồng là sự kiện
trọng đại hơn nhiều. Trong một thị trấn phẳng lặng như nơi tôi ở, đám cưới
của chị Hoè giống như một biến cố.
Hồi anh Thắng giả điên, thị trấn Hà Lam vui hơn bây giờ. Với những
tràng tiếng Pháp lốp bốp và bài hát Aline thường bất thình lình vang lên trước
cổng trường tiểu học, trẻ con bọn tôi còn có cái để mà chờ đợi. Lần cuối cùng
anh Thắng đem lại sự sôi nổi cho thị trấn là lúc anh ngồi rền rĩ hát trước
giường bệnh của cô Sa, người lớn con nít bu đen bu đỏ xem như xem xiếc.
Chỉ tiếc là sau lần đó, anh cưới cô Sa rồi đem cô đi mất, trả lại cho thị trấn vẻ
buồn tẻ quen thuộc. Bây giờ, chị Hoè-người mà anh Thắng từng ngoảnh mặt,