là không!". Ngay trong khoảnh khắc đó, lòng tôi trào lên nỗi tủi thân và tôi
cảm thấy mình như một thứ đồ chơi. Chẳng ai buồn đếm xỉa đến cảm xúc của
tôi, khi không cần thì người ta vứt đi, khi cần thì người ta nhặt lại rồi đến một
lúc nào đó có thể người ta lại vứt đi lần nữa.
Đó là lý do tôi chống lại nhỏ Thắm, dù qua ngày thứ hai tôi mơ hồ cảm
thấy làm như thế cũng là chống lại chính mình nhưng tôi nhất quyết không
làm khác đi. Trong nhiều ngày, tôi cảm thấy tự ái của mình được thỏa mãn
khi biết nhỏ Thắm vẫn liếc về phía tôi với cái nhìn hoang mang, u uất. Nhưng
sự hoan hỉ trong tôi không kéo dài được lâu. Qua ngày thứ tư tôi phát giác ra
trong lúc nỗi hờn dỗi của tôi được vỗ về, tôi vẫn thấy có cái gì đó như là sự
buồn tẻ gieo vào lòng tôi từng phút một.
Chú tiểu Khôi đã nghe tôi kể về câu chuyện bên bờ suối nên chú cũng
thắc mắc y như nhỏ Thắm.
Chỉ khác một điều, nhỏ Thắm hỏi tôi bằng mắt còn chú tiểu Khôi hỏi bằng
miệng:
-Sao Đăng không rủ nhỏ Thắm đi học?
Tôi cười khẩy:
-Chà, chú quan tâm đến "vị hôn thê" của mình quá há!
Chú tiểu Khôi nhíu mày vẻ phật ý:
-Đăng đừng có nói linh tinh! Đăng trả lời tôi đi!
Tôi phồng má:
-Tại sao tôi phải rủ nó đi học khi mà trước đây tôi ghé rủ thì nhà nó đuổi
tôi như đuổi tà?