“Có phải mọi phụ nữ ở miền bắc đều là chiến binh?”, Kourrem hỏi.
Kara đặt lên bàn đồ điểm tâm: trái quả, nước quả ép để lạnh, những
chiếc bánh mì nho nhỏ và phô-mai. “Có phải tất cả các chị đều là pháp
sư và là quỷ?”
Alanna giơ tay bóp cái đầu đang đau. Có phải người ta mong chờ cô
ăn hết tất cả những thứ này? “Chắc không đâu”, cô trả lời Kourrem.
Vụng về, cô ngồi xuống trước cái bàn thấp tè và xếp hai chân vào
nhau. Đột ngột, cô nảy ra một ý: “Các em có muốn ăn cùng chị
không? Chị sẽ rất vui.” Điều này không hẳn đúng hoàn toàn với sự
thật, nhưng chắc là hai cô thiếu nữ này đói hơn cô rất nhiều.
Với Kourrem thì không cần phải thúc giục, nhưng Kara chần chừ.
“Như thế không hợp lệ”, cô thiếu nữ nói. Ánh nhìn trên nếp khăn che
mặt tỏ ra bối rối.
“Dĩ nhiên là hợp lệ”, Alanna quả quyết. “Chị có phải là một phụ nữ
không nào? Ít nhất thì chị vẫn còn là phụ nữ, vào lúc chị vừa kiểm tra
lại.”
Đến đó thì cả Kara cũng phải mỉm cười. Hai thiếu nữ bỏ khăn bịt
mặt xuống. Kara lớn tuổi hơn, tay chân nhỏ nhắn và mắt đen, tô điểm
cho khuôn miệng là hai lúm đồng tiền sâu láy hai bên. Kourrem có cặp
mắt màu nâu xám ranh mãnh và một cái cằm nhọn nhỏ. Ở độ tuổi dậy
thì lớn nhanh như thổi thì hai thiếu nữ này quá gầy và quần áo quá tệ.
Theo những gì Alanna còn nhớ qua những bài học của thầy Myles, họ
đã đủ lớn để lấy chồng. Người sa mạc ký hiệp ước gả cưới con gái của
họ ngay khi các cô bắt đầu đeo khăn bịt mặt, vào độ tuổi 12. Tại sao
hai cô thiếu nữ này còn chưa lấy chồng? Khi Alanna lấy một chiếc
bánh mì, cả hai cô hau háu bắt đầu ăn cùng.
“Nếu như phụ nữ miền bắc không phải ai cũng là chiến binh”,
Kourrem nhồm nhoàm nói tiếp. “Thì tại sao chị lại trở thành hiệp sĩ?”