Trong mô hình quản trị doanh nghiệp truyền thống, dường như
xây dựng chiến lược công ty không phải là chức năng của HĐQT. Với
định nghĩa về quản trị doanh nghiệp kiểu mới như hệ thống “qua
đó người ta định hướng và kiểm soát công ty”, đảm bảo chiến lược
công ty chính là chức năng trung tâm của HĐQT. Các thông lệ quản
trị công ty tốt cho thấy HĐQT nên đảm nhận một cách công khai và
rõ ràng trách nhiệm xây dựng chiến lược công ty và xem xét và
thông qua chiến lược, kế hoạch kinh doanh. Việc lập chiến lược,
kế hoạch kinh doanh thuộc trách nhiệm của CEO và bộ máy điều
hành (nghĩa là thuộc về cơ quan nắm vững công việc kinh doanh
nhất). HĐQT có nhiệm vụ xác định tầm nhìn chiến lược cho công
ty, định hướng cho sự phát triển của công ty. Nếu công ty gặp khó
khăn trong kinh doanh thì chính HĐQT phải là nơi khởi xướng, đưa
ra những thay đổi mang tính chiến lược. Nhìn về tổng thể, những
thay đổi chiến lược có thể được đưa từ trên xuống, xuất phát từ
HĐQT hoặc có thể được đưa từ dưới lên, do CEO đề xuất nhưng
cần xác định rõ ràng rằng xây dựng và đề xuất thay đổi chiến
lược phải là nhiệm vụ hàng đầu của HĐQT đứng đầu là Chủ tịch.
Nếu CEO có sáng kiến, đề xuất thay đổi chiến lược thì CEO sẽ
đệ trình đề xuất này lên HĐQT thông qua Chủ tịch… Cần phải ghi
nhận rõ quy trình đề xuất và thông qua quyết định thay đổi chiến
lược như vậy trong Điều lệ hoặc Quy chế quản trị công ty. Các công
ty cổ phần lớn, đặc biệt là các công ty niêm yết cần có quy trình
thông qua việc hoạch định và thay đổi chiến lược như một bộ phận
của quy chế quản trị công ty để bảo vệ quyền lợi cổ đông.
Câu hỏi đặt ra là HĐQT sử dụng nguồn lực nào để xây dựng
chiến lược, thẩm định đề xuất thay đổi chiến lược công ty? Có ý
kiến cho rằng HĐQT sẽ sử dụng CEO, bộ máy điều hành để trợ
giúp mình trong hoạch định chiến lược. Tuy nhiên, ý kiến do CEO
và bộ máy điều hành công ty đưa ra có thể không thực sự khách
quan nếu thay đổi chiến lược công ty bất lợi cho họ. Rõ ràng cần