Machiavelli quả đã đoán đúng. Giáo hoàng Julius cuối cùng nhận ra rằng
cả sự đe dọa từ phía Venice lẫn binh lực của Cesare đều được thổi phồng,
nên vội vàng sửa sai bằng cách hủy bỏ thỏa thuận của ông với Cesare. Ông
ta đòi Cesare phải giao nộp tất cả các lâu đài chàng đang giữ ngay tức khắc.
Xong việc đó, Giáo hoàng Julius II đặt Cesare Borgia vào vòng quản thúc,
đưa chàng đến Ostia, một hồng y lớn tuổi cùng đám lính vũ trang đi theo
giám sát, đảm bảo thực hiện đúng lệnh của Giáo hoàng. Cesare Borgia giao
nộp hai pháo đài đầu tiên, viết thư cho mấy viên chỉ huy các pháo đài khác
bảo họ là chàng đã được lệnh hoàn trả chúng cho những người chủ cũ.
Chàng hi vọng các viên chỉ huy sẽ không thi hành mệnh lệnh này, ít ra là
trong lúc này.
Cesare yêu cầu vị hồng y cao tuổi cho phép chàng đến Naples, hiện đang
dưới sự kiểm soát của Tây Ban Nha. Tin rằng Cesare đã đã chịu tuân lệnh
Giáo hoàng và chẳng thể gây ra rắc rối gì miễn là không đến gần Romagna,
hồng y đi theo Cesare đến cảng Ostia, đưa chàng lên một chiếc thuyền
buồm hướng về Naples.
Ở Naples, Cesare còn có một con bài khác: Gonsalvo de Cordoba.
Bấy giờ người Tây Ban Nha đang là những ông chủ duy nhất của Naples,
từ đó mở rộng tầm ảnh hưởng chưa từng có trên khắp đất Ý. Cesare lập tức
tìm kiếm sự trợ giúp từ Ferdinand và Isabella, vì chàng tin rằng họ là đồng
minh của nhà Borgia. Với sự hậu thuẫn của họ - chàng bảo Cordoba - thì
chàng và những thuộc hạ trung thành đủ khả năng bám trụ trong những
pháo đài bao lâu cũng được; chàng sẽ huy động thêm những toán quân phụ
trợ và buộc Julius phải thương lượng và phải giữ những điều khoản có lợi
cho chàng.
De Cordoba đồng ý tâu chuyện của Cesare lên vua và hoàng hậu Tây
Ban Nha. Ở nơi giờ đây là lãnh thổ của Tây Ban Nha, Cesare cảm thấy an
toàn, không phải e sợ Giáo hoàng Julius. Trong lúc chờ hồi âm từ
Ferdinand và Isabella, Cesare gửi thư cho các tùy tướng còn lại thuyết phục
họ đừng giao nộp các pháo đài. Chàng cũng bắt đầu tập hợp các toán quân
đánh thuê để tác chiến cùng quân Tây Ban Nha dưới quyền Cordoba.