tài được đóng nắp, một xe ngựa chở ra bến cảng rồi được đưa lên một
thuyền buồm Tây Ban Nha hướng về Valencia.
Cesare không thở nổi; cỗ quan tài quá nhỏ, không thể nhúc nhích gì được
cả. Đành nằm im chịu phép thôi. Chàng cố gắng hết sức để khống chế cơn
hoảng loạn, vì nếu đầu hàng, chàng sẽ phát điên lên mất. De Cordoba đã
chọn phương pháp vận chuyển này, bởi anh ta không hề muốn bất kì người
Naples nào còn trung thành với Cesare biết được rằng chàng ta đã bị bắt.
Anh ta có thừa người để chống lại bất kì mưu toan giải cứu nào. Nhưng,
như anh ta nói với sĩ quan thuộc quyền, “Tội gì mà chơi trò may rủi? Bằng
cách này, bất kì tên gián điệp nào lảng vảng ở khu bến cảng này sẽ chỉ thấy
quan tài của một người Tây Ban Nha nghèo khó nào đó được đưa về cố
hương mai táng.”
Sau một giờ lênh đênh trên biển, thuyền trưởng bèn ra lệnh đưa Cesare ra
khỏi quan tài và mở tấm vải liệm, rút giẻ bịt mồm ra khỏi miệng chàng.
Run rẩy, vẫn còn bị trói, chàng bị ném vào khoang hàng gần phía đuôi
tàu. Khoang này, dẫu gò bó và nhếch nhác song ít ra cũng còn có chút gió
nơi cánh cửa, dễ chịu hơn nhiều so với khi nằm trong cái quan tài ngột ngạt
mà Cesare phải gồng mình cắn răng chịu đựng trong suốt mấy giờ qua.
* * *
Mỗi ngày một lần - và chỉ một lần thôi - trong suốt cuộc hải hành, một
thủy thủ mang cho Cesare những chiếc bánh bích quy đầy mọt và nước lã.
Tử tế và tỏ ra đầy kinh nghiệm đi biển, chàng ta cẩn thận đập từng mẩu
bánh lên cạnh tàu cho sâu mọt rớt ra rồi mới bẻ ra từng miếng đút cho
Cesare.
“Xin lỗi phải trói anh lại,” chàng ta nói với Cesare. “Nhưng thuyền
trưởng ra lệnh như thế. Anh còn phải bị trói cho đến khi đến Valencia.”
Sau cuộc hải hành kinh khủng với những cơn biển động, đồ ăn thức uống
gớm ghiếc và các căn phòng tù túng, bốc mùi tởm lợm, chiếc thuyền buồm