trở lại. Nó bắt đầu với chiếc vĩ cầm, chơi đi chơi lại một đoạn ngắn rồi vào
nền nhạc, trống và bass, rồi giọng của nó.
Tôi biết hầu hết chúng ta đều nghĩ con mình rất tài năng kể cả khi
chúng không thể (Chúng ta dán những bức tranh lem nhem nhỏ bé của
chúng lên tủ lạnh như tranh của Picasso vậy), nhưng bài hát này, Angels
(Thiên thần), tôi vừa nghe ngày hôm trước, lâu sau khi chuyện vớ vẩn về
Chloe đã đến và ra đi và tôi có thể nói điều này: Có cái gì đấy rất đáng nhắc
tới trong thông điệp gửi tới người phụ nữ trẻ bội bạc này. Bạn có thể nghe
thấy một sự giãi bày hết sức tự tin mà dường như đến từ một ai đó khác cậu
bé đang ngồi cùng ghế với tôi, môi mấp máy theo lời bài hát.
Nhưng đó không phải thứ làm cho tôi bất ngờ nhất. Sự thay đổi lớn
lao nằm trong lời bài hát. Nó gắt gao một đoạn, rồi lại cầu khẩn đoạn tiếp.
Nó nặng nề, cố tình để làm cho người khác đau đớn, bẩn thỉu, như thể tác
giả đã lộn ngược mình từ trong ra ngoài như một con cá quả. Nhưng nó còn
chính xác, đó là lần đầu tiên như thế; không còn những điều vớ vẩn về
chuyện lớn lên trong khu ổ chuột hoặc lòng tham hoặc luồn lách qua chông
gai hay những bao cao su trong khu vườn sau nhà hồi còn bé của nó.
“Angels” là một tác phẩm thực sự - như thể có ai đó đã lột xác nó và thu lại
tiếng gào thét.
Nghe bài hát, tôi nhận ra – rất nhẹ nhàng, rất lạ, không phải là sự khó
chịu – rằng nó có nhiều tài năng hơn tôi. Tài năng thiên bẩm. Chính là nỗi
đau về Chloe đã làm nó thức tỉnh. Con bé đã đốt hết đống mỡ thừa ra khỏi
cách hành văn của nó.
Khi giọng hát trong đĩa bé dần đi, khi tiếng vĩ cầm vang vang đã nhỏ
lại (nó như một lưỡi cưa kéo đi kéo lại, một vết thương bị chọc xoáy), nó
nói: “Bố nghĩ gì?”
Chậm rãi và đầy suy tính để nó có thể tận hưởng điều này, tôi nói: “Bố
nghĩ con có thừa tài năng để thể hiện.”