Điều đó không hề biến mất bởi vì tôi chuyển ra ngoài sống hay kết
hôn. Tôi luôn thấy lo sợ về một điều gì đó, và tôi căm ghét chính mình
bởi vì thế. Nhưng nếu như cha mình, người đáng lý ra phải yêu thương
và chăm sóc cho tôi, lại đối xử với tôi như vậy, vậy thì chuyện quái
quỷ gì nữa sẽ còn xảy ra với tôi trong cái thế giới này đây. Tôi đã phá
hỏng rất nhiều mối quan hệ chỉ bởi vì tôi không thể để người khác đến
gần mình. Tôi thấy xấu hổ về bản thân mình vì điều đó, và tôi cũng
xấu hổ vì mình lúc nào cũng sợ hãi như vậy. Nhưng cuộc sống chỉ làm
tôi sợ hãi. Tôi thật sự đã rất cố gắng trong quá trình trị liệu để vượt
qua được điều này bởi tôi biết rằng tôi sẽ chẳng thể làm được điều gì
cho bản thân hay cho người khác nếu như tôi không thể vượt qua được
nó. Nhưng mà, Chúa ơi, đó là cả một cuộc chiến.
Rất khó để lấy lại cảm giác tin cậy và an toàn một khi chúng đã bị chà
đạp bởi các bậc cha mẹ. Tất cả chúng ta đều xây dựng kỳ vọng về việc
người khác sẽ đối xử với ta như thế nào dựa trên mối quan hệ của chúng ta
với cha mẹ mình. Nếu như mối quan hệ đó, đa phần là sự nuôi dưỡng cảm
xúc, tôn trọng quyền lợi và cảm xúc của chúng ta, chúng ta sẽ lớn lên với
mong đợi rằng những người khác cũng đối xử với ta như thế. Những kỳ
vọng tích cực này cho phép ta trở nên sẵn sàng để bị tổn thương và cởi mở
trong các mối quan hệ của mình khi trưởng thành. Nhưng trong trường hợp
của Joe, tuổi thơ là một quãng thời gian của những lo lắng, căng thẳng, và
đau đớn không ngừng. Thì Joe và những người trong hoàn cảnh giống anh,
sẽ hình thành nên những kỳ vọng tiêu cực và sự đề phòng cứng nhắc.
Joe đã mong đợi những điều tồi tệ nhất ở những người khác. Cậu cho
rằng cậu sẽ chịu tổn thương và bị đối xử tệ hại như khi còn nhỏ. Vì thế mà
cậu đã tự bao bọc mình trong bộ áo giáp của cảm xúc. Cậu không để cho ai
đến gần mình. Thật không may, bộ áo giáp ấy hóa ra lại là một cái nhà tù
cảm xúc hơn là một sự bảo vệ.