việc. Không có gì rút cạn năng lượng của bạn nhanh hơn là kìm chế cơn
giận.
4. Đừng sử dụng cơn giận để củng cố hình ảnh tiêu cực về bản thân.
Bạn không xấu bởi vì bạn tức giận. Mọi người thường trông đợi bạn phải
xấu hổ khi tức giận, đặc biệt là đối với cha mẹ. Hãy nói với họ rằng: “Tôi
thấy tức giận. Tôi có quyền được thể hiện nó. Cảm giác tội lỗi khi tức giận
cũng không sao nếu đó là cách đối phó cơn giận. Tôi chẳng làm gì xấu xa
hay sai trái nếu cảm thấy như vậy cả.”
5. Hãy sử dụng cơn giận như một nguồn năng lượng để định hình bản
thân. Cơn giận của bạn có thể giúp bạn học được rất nhiều về những điều
bạn có thể chấp nhận hay không chấp nhận trong mối quan hệ với cha mẹ.
Nó có thể giúp bạn định hình giới hạn ranh giới của mình. Nó có thể giúp
bạn thoát khỏi những hành vi cũ như phục tùng, chấp thuận và hoảng sợ
trước sự phản đối của cha mẹ. Cơn giận có thể giúp bạn lấy lại năng lượng
cho bản thân và ra xa khỏi cuộc chiến nhằm thay đổi cha mẹ mình. Hãy
biến “Tôi tức giận vì cha tôi chẳng bao giờ để tôi sống cuộc đời của mình”
thành “Tôi sẽ không để cha tôi kiểm soát tôi hay hạ thấp tôi nữa.”
Hãy sử dụng những kĩ thuật này như kim chỉ nam để giúp bạn làm chủ
được cơn giận của bản thân. Bạn sẽ có nhiều thời gian giải tỏa cơn giận đối
với cha mẹ một khi bạn bắt đầu thực hành điều này. Kĩ năng này rất quan
trọng, nó sẽ quyết định thành bại khi bạn đối diện với cha mẹ của bạn,
chúng ta sẽ nói tiếp ở chương 12.
Mọi người đều gặp vấn đề trong việc xử lý cơn giận, và bạn sẽ không
thể học được điều này trong một sớm một chiều. Đặc biệt nếu bạn là phụ
nữ, bởi họ thường bị xã hội kỳ thị khi giải tỏa cơn giận của mình. Họ chấp
nhận việc phụ nữ có thể khóc, có thể khóc than công khai, có thể bi lụy hay
thể hiện tình cảm, nhưng cơn giận dữ lại bị cho là sai trái trong xã hội. Cho
nên phụ nữ có khuynh hướng chọn những người bạn đời có thể thay họ
biểu lộ cơn giận. Theo cách này họ có thể xả cơn tức một cách gián tiếp.