Bạn có thể đối chất với cha mẹ bằng cách viết thư hay nói chuyện trực
tiếp. Chắc bạn cũng để ý tôi không đề cập đến điện thoại. Điện thoại có vẻ
an toàn, nhưng đối chất qua điện thoại gần như không hiệu quả. Cha mẹ
bạn có thể cúp máy rất dễ dàng. Thêm vào đó, điện thoại là “nhân tạo”; nó
làm cho việc thể hiện cảm xúc thật vô cùng khó khăn. Nếu cha mẹ bạn
sống ở một thành phố khác, và họ không tiện di chuyển đến chỗ bạn hay
bạn không tiện đến chỗ họ, hãy viết thư cho họ.
Viết thư
Tôi là một fan của phương pháp trị liệu bằng thư từ. Viết thư là một
cách tuyệt vời để sắp xếp những gì bạn muốn nói trong đầu, và bạn có thể
làm đi làm lại cho đến khi nào mình cảm thấy hài lòng. Người nhận có thể
đọc đi đọc lại lá thư và suy nghĩ về nội dung bạn viết. Cách viết thư cũng
an toàn hơn nếu cha (mẹ) bạn có xu hướng bạo lực. Đối chất là quan trọng,
nhưng cũng không đáng vì thế mà phải chịu rủi ro bị bạo hành thể xác.
Luôn viết thư riêng cho từng người. Cho dù vấn đề có giống nhau,
nhưng mối quan hệ và cảm xúc của bạn đối với cha và mẹ bạn là khác
nhau. Viết trước cho người bạn nghĩ là độc hại và bạo hành nhiều hơn.
Những cảm xúc đó sẽ gắn với bề mặt hơn và dễ khai thác hơn. Một khi bạn
đã khơi được nguồn cảm xúc sau lá thư đầu tiên rồi - trường hợp cả cha và
mẹ bạn đều còn sống - cảm xúc đối với người còn lại sẽ dễ tuôn trào hơn.
Trong lá thư gửi người thứ hai, bạn có thể nhẹ nhàng nói về tính thụ động
của họ và việc họ không bảo vệ được bạn như thế nào.
Nội dung đối chất bằng thư và đối chất trực diện là như nhau. Cả hai
cách đều bắt đầu bằng câu: “Con sắp nói những điều mà con chưa bao giờ
nói với cha (mẹ)” và gồm bốn nội dung chính:
1. Đây là những gì cha (mẹ) đã làm với con.