gần như tè ra quần. Hơi thở của bà ấy thôi cũng có thể hạ gục chúng
tôi. Bà phát điên khi thấy chúng tôi động vào đồ của bà và bắt đầu la
lớn: “Tao biết lý do mày đưa bạn về nhà rồi...để giám sát tao chứ gì!
Mày lúc nào cũng theo dõi tao. Nên lúc nào tao cũng phải uống đến
say bí tỉ. Chính mày làm cho người khác phải uống!”
Mẹ của Carla đã hoàn toàn mất kiểm soát. Bên cạnh việc làm con gái
bẽ mặt, bà còn đổ lỗi cho chị vì thói nghiện rượu của mình. Carla khi đó
còn quá nhỏ để nhìn ra lỗ hổng trong logic của mẹ, vì vậy chị chấp nhận lời
buộc tội đó.
Một cách vô thức, Carla vẫn nghĩ rằng mình chịu trách nhiệm cho việc
mẹ nghiện rượu. Đó là lý do chị sẵn sàng hi sinh để mẹ cảm thấy thoải mái.
Chị hủy chuyến đi chơi đã mong chờ từ lâu chỉ để nhận được sự công nhận
phù phiếm của mẹ.
Trở thành người chịu trách nhiệm chính trong gia đình là một vai trò
quá đỗi quen thuộc đối với những đứa trẻ có cha mẹ nghiện rượu. Một số
trẻ còn ra sức hoàn thiện hình ảnh tiêu cực về bản thân bằng cách dùng đến
phương thức tự hủy hoại hay các hành vi phạm pháp. Những đứa trẻ khác
thì vô thức tìm cách trừng phạt bản thân với nhiều triệu chứng về mặt cảm
xúc và thể chất đa dạng - chẳng hạn như chứng đau đầu của Carla.
Đứa Con Cưng
Trong khi một số trẻ bị buộc phải trở thành người gánh vác cả gia
đình, thì có những đứa trẻ có một vai trò khác trong gia đình - “đứa con
cưng”. Những đứa trẻ này có được sự công nhận từ cả cha mẹ lẫn xã hội và
trách nhiệm cao cả mà chúng bị buộc phải gánh lấy. Bề ngoài, sự công nhận
này dường như tạo cho đứa trẻ một môi trường tích cực hơn so với những
trẻ phải gánh vác cả gia đình, nhưng trên thực tế, những thứ mà chúng bị
tước đoạt và niềm tin tiêu cực vẫn hoàn toàn giống nhau. Những đứa con