CHA MẸ GIỎI CON THÔNG MINH - Trang 20

2. Vỡ mộng và thất vọng

“Con tôi ghét thất bại”

Cậu con trai tám tuổi và cô con gái mười tuổi của bạn đang chơi cờ với nhau. Khi thua, cậu em hét
lên: “Chị ăn gian!”

Bạn bảo các con nên chơi lại ván khác. Lần này, con gái bạn thua. “Con thả cho em thắng đấy!”, cô
bé nói, làm cậu em càng tức điên lên.

Chơi bất cứ trò nào cũng vậy, hễ cứ cảm thấy sắp thua là cô con gái chín tuổi của bạn lại phá hỏng
luôn trò chơi. “Đừng có lúc nào cũng điều khiển tớ như thế!” cô bé hét lên với bạn và ngừng chơi.

Cậu con trai 12 tuổi của bạn luôn thấy lo mình sẽ là người thất bại − dù đang chơi đánh bài hay
chơi bi − đến mức cậu bé không dám tham gia bất cứ trò chơi nào cả.

Trong trường hợp này, bạn có rất nhiều điều để nói. Bạn có thể cố gắng thản nhiên và nói: “Lần sau
con sẽ thắng thôi”, có điều bạn không thể đảm bảo cho điều này được. Lần sau chưa chắc con bạn
đã thắng và lần sau nữa cũng vậy. Khi con bạn không còn tin bạn nữa thì bạn chính là người thất
bại thảm hại.

Bạn có thể nói: “Ngày mai con sẽ quên chuyện này thôi”, nhưng chưa chắc con bạn sẽ quên.

Bạn cũng có thể an ủi con bằng cách nói: “Mẹ rất tiếc vì con đã thua. Mẹ biết rằng con đang rất
buồn”. Nhưng như vậy thì cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con sẽ chấm dứt ngay lập tức. Khi nói về
cảm giác của con, bạn ngăn bé khám phá xem thất bại là gì mà khiến bé có cảm giác như vậy. Thậm
chí, có thể bé không hề cảm thấy buồn chút nào; trong cách nghĩ của bé, thất bại mang ý nghĩa
hoàn toàn khác so với cách nghĩ của bạn.

Trở thành người thất bại tốt là một trải nghiệm để trưởng thành. Điều này đòi hỏi phải có thời
gian. Khi trẻ không thích thất bại, thông thường nguyên nhân là do các em cảm giác không hay về
bản thân, hoặc các em nghĩ có điều gì đó không đúng. Như lời một cậu bé giải thích cho tôi về việc
cậu thua cờ cô em gái: “Cháu không nghĩ lại thua em mình”. Trong nhiều trường hợp trẻ em gặp
vấn đề với cảm giác thất bại thường có nhu cầu quá mức về việc nắm quyền kiểm soát hoặc được
cảm thấy mình mạnh mẽ.

Những chiến thuật tôi nhắc đến ở trên không phải là có hại, cũng không phải vô tác dụng. Có điều,
chúng không phát huy được hiệu quả vì không giải quyết tận gốc rễ vấn đề con bạn gặp phải. Trên
thực tế, vấn đề không nằm ở chỗ thắng thua mà ở chỗ con bạn cảm thấy thế nào.

Vậy bạn có thể làm gì để đạt được kết quả tốt hơn?

Thay vì tập trung vào trò chơi hoặc đoán già đoán non, bạn nên hỏi xem cảm giác của con ra sao.
Sau khi con bạn trả lời, hãy chuyển tâm điểm chú ý sang một người khác bằng cách đặt câu hỏi:
“Con nghĩ chị con sẽ cảm thấy thế nào khi con nói chị thắng được là nhờ ăn gian?”

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.