CHA MẸ GIỎI CON THÔNG MINH - Trang 51

Nhưng khi học điều này, các em bắt đầu hiểu về từ “công bằng” quá máy móc, nhất cử nhất động
đều theo dõi nhau. Chẳng hạn, khi đến phiên Ellie phải dọn dẹp phòng mình, bé dọn sạch tất cả mọi
thứ trừ một cuốn sách mà anh Bobby đã lấy ra khỏi giá sách của bé, kiên quyết tuyên bố: “Anh ấy
lôi ra thì anh ấy phải cất vào!”

Cũng cứng rắn không kém, Bobby sẵn sàng lấy bơ ra khỏi tủ lạnh nhưng bắt Ellie phải cất vào, bởi
vì “Em ấy là người ăn sau cùng!”

Bố các em rất ngạc nhiên. Ông công nhận rằng mỗi đứa có một phần đúng nhưng cũng thắc mắc
không biết các con lấy đâu ra lắm hơi sức để theo dõi nhau từng li từng tí như vậy. Dường như
chúng đang hiểu từ “công bằng” theo một nghĩa hết sức cực đoan. Cứ hiểu méo mó như vậy có
đáng hay không? Xét cho cùng thì công bằng đồng nghĩa với việc không động chạm đến tình cảm
của ai cả. Nhưng đối với Bobby và Ellie, sự công bằng của các em đang có tác dụng ngược lại.

Nghiên cứu của tôi cho thấy, khi lên bốn tuổi, hầu hết trẻ em đều hiểu rằng khi một em có đồ chơi
còn em kia không có, công bằng nghĩa là em có đồ chơi phải tự mình thu dọn. Nhưng đến năm lên
chín, lên mười trẻ sẽ hiểu lòng tốt còn cao hơn cả những nguyên tắc công bằng. Như vậy, cả Bobby
và Ellie đều có thể phân biệt được điều này. Trong khi việc khăng khăng bắt anh trai phải cất cuốn
sách đi tỏ ra không công bằng lắm thì việc tiện tay cất luôn cuốn sách lúc dọn phòng sẽ khiến cho
Ellie trở thành người tốt bụng. Tương tự, Bobby có thể hiểu rằng mặc dù em gái mình cũng ăn bơ
nhưng bé sẽ là người anh tốt nếu tự tay cất bơ sau khi kết thúc bữa ăn.

Khoảng cách giữa công bằng và tốt bụng rất mong manh. Mặc dù không muốn khích lệ tính tủn
mủn, vụn vặt, chúng ta cũng không nên bỏ qua thói vô trách nhiệm. Thay vì săm soi từng câu, từng
chữ, từng hành động, hãy tập trung giúp trẻ hợp tác với nhau để chúng có thể hiểu rằng đôi khi
cuốn sách để trên giường không phải là chuyện gì to tát đến mức phải mâu thuẫn với nhau, trong
khi cất nó đi lại đơn giản hơn rất nhiều. Và thông thường thì tốt bụng khôn ngoan hơn là công
bằng.

Nhưng tốt bụng nghĩa là thế nào? Và ý nghĩa của nó đối với trẻ em có giống như đối với người lớn
hay không? Al và Clara Baldwin, trước đây công tác tại Đại học Cornell, đã khảo sát định nghĩa từ
“tốt bụng” đối với trẻ em từ tuổi mẫu giáo đến lớp tám và nhận thấy, đôi khi câu trả lời là “Không”.

Lên tám tuổi, hầu hết trẻ em đều nhất trí với người lớn rằng một đứa trẻ sẽ trở nên dễ thương hơn
khi tìm cách lấy lại quả bóng mà bạn em bị mất do lỡ đá đến trước mặt một đứa trẻ khác. Nhưng
nhiều trẻ em ở tuổi đi mẫu giáo lại tin rằng trong hoàn cảnh nào thì đứa trẻ đó cũng dễ thương cả.
Nguyên nhân là do các em không quan tâm đến cách đứa trẻ đó lấy quả bóng như thế nào, mà chỉ
quan tâm đến việc đứa trẻ đó lấy được quả bóng mà thôi.

Trong kịch bản tiếp theo, hầu hết trẻ em tám tuổi đều đồng ý với người lớn rằng một đứa trẻ tự
nguyện cho em trai mình đồ chơi sẽ dễ thương hơn đứa trẻ cho em trai đồ chơi vì mẹ bảo phải làm
thế. Nhưng nhiều trẻ ở tuổi đi mẫu giáo nghĩ rằng cả hai trường hợp đứa trẻ đều dễ thương vì đã
cho em trai đồ chơi. Thông thường thì trẻ em còn bé không hiểu rằng mục đích, chứ không phải là
kết quả, mới biện minh cho lòng tốt.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.