CHA MẸ GIỎI CON THÔNG MINH - Trang 52

Từ cuộc nghiên cứu của gia đình Baldwin, tôi đặt ra một số câu hỏi cụ thể để xem trẻ em định
nghĩa thế nào về lòng tốt. Sally và Margy, cả hai bé cùng năm tuổi, có cùng ý kiến với người lớn về
lòng tốt khi xét đến yếu tố mục đích và lựa chọn. Nhưng khi chúng tôi nói về tinh thần hy sinh, như
bao trẻ em khác cùng độ tuổi, Sally và Margy lại suy nghĩ theo cách khác. Chẳng hạn, nhiều người
lớn tin rằng trẻ em khi cho đứa trẻ khác món đồ mà bé đang chơi sẽ tốt bụng hơn là cho món mà
bé không chơi. Nhưng Sally và Margy tin rằng kể cả cho người khác món đồ mà mình không chơi
cũng là tốt bụng rồi.

Sau đó, bố của Sally nói với bé: “Giả sử bạn con quên mang giày khiêu vũ đến lớp. Theo con, điều
nào sẽ tốt hơn: Cho bạn sử dụng giày của mình, hay đưa cho bạn đôi giày khác mà con tình cờ
mang theo?” Sally nghĩ rằng bé sẽ tốt bụng hơn nếu đưa cho bạn đôi giày phụ mang theo, chứ
không phải là hy sinh đôi giày của mình, “bởi vì sau đó cả hai đều cần phải khiêu vũ”. Một lần nữa,
Sally lại tập trung vào kết quả cuối cùng hơn là vào lý do hành động, mà trong trường hợp này là
tinh thần hy sinh.

Bé Freddi mười một tuổi cũng đồng ý với người lớn rằng giúp người khác làm điều gì đó mà không
mong được trả ơn sẽ tốt bụng hơn là mong người khác trả ơn. Nhưng Freddi bổ sung một thực tế
thú vị: “Nếu như cứ cho trẻ em mọi thứ mà không bao giờ nhận lại cái gì thì người đó sẽ bị coi là
khờ khạo và bị người khác lợi dụng”.

Rõ ràng, có thể trẻ em không phải lúc nào cũng suy nghĩ giống chúng ta về lòng tốt. Khi bực mình
với con cái vì cho rằng chúng bất cẩn, hoặc khi con cái đánh đổi sự công bằng lấy lòng tốt, chúng ta
nên cân nhắc xem trẻ nghĩ gì lúc chúng ta yêu cầu trẻ “hãy ngoan ngoãn”.

“Giờ thì con hãy xin lỗi đi!”

Nhưng bé có thật sự biết lỗi không?

Đứa con trai bốn tuổi của bạn giành đồ chơi của em gái; đứa con năm tuổi gọi bạn của mẹ bằng tên;
đứa con năm tuổi đánh em gái. Có rất nhiều cách để thay đổi loại hành vi này ở trẻ em. Cách phổ
biến là nói với con: “Như vậy không tốt. Giờ thì con hãy nói xin lỗi đi!”

Có thể con bạn sẽ nhanh chóng nghe theo và nói lời xin lỗi, và có thể bạn nghĩ rằng như thế là xong
chuyện. Nhưng thực tế có phải vậy không?

Nhiều đứa trẻ sẽ tự động nói: “Con xin lỗi”. Chúng đánh và trêu chọc người khác, sau đó xin lỗi để
khỏi bị mắng. Trẻ em nhanh chóng hiểu rằng đây là cách phổ biến để giúp chúng thoát khỏi trừng
phạt.

Hãy tự hỏi mình: Con bạn có thật sự thấu hiểu hay không? Bé có thật sự cảm thấy buồn vì đã làm
đau ai đó hoặc làm người khác cảm thấy không vui không? Đấy mới chính là mục tiêu, chứ không
chỉ đơn thuần là lặp lại lời bạn.

Để giúp trẻ học được cách thấu hiểu, hãy hỏi con bạn xem bạn bè, anh chị em của bé cảm thấy thế
nào khi bé giật đồ chơi, đánh hoặc trêu chọc những người đó.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.