“Nat, Ning, về.” Mẹ tóm lấy túi xách, đứng bật dậy sầm sầm dời bàn,
Ning chạy theo bà.
“Nat…” Bố chộp tay tôi. “Chăm lo cho mẹ và em con. Sinh nhật con
tuần sau, bố sẽ đến.”
“Bố.” Tôi nhìn ông và cắn mạnh môi.
“Đợi đã.” Bố rút ví lấy ra ít tiền nhét vào tay tôi. “Cầm lấy. Đừng quên
cho Ning một ít và thay bố trả tiền taxi.”
Nếu ai đó hỏi tôi bản nhạc yêu thích của thầy Wa-thin là gì, tôi sẽ trả
lời ngay là “Cây bồ đề buông mành”. Ngoài ông Suthin Theisarrak, tác giả
bản nhạc, mà tôi từng được xem biểu diễn vài lần trên ti vi, tôi chưa từng
thấy ai chơi “Cây bồ đề buông mành” sống động như thầy Wa-thin.
“Bao giờ thì thầy định dạy bọn em chơi bài này ạ?” Jom hỏi trong lúc
thầy dạy nhạc của chúng tôi đang lên dây đàn.
“Các trò quá nôn nóng muốn đi tắt.” Thầy Wa-thin vừa cười vừa hạ
cây vĩ cầm khỏi vai. “Vào thời các thầy học vĩ cầm, chúng ta không nóng
vội vậy đâu. Chúng ta phải tập luyện vất vả hằng ngày trong nhiều năm liên
tục.”
“Thôi mà, thầy,” một bạn khác cười. “Nếu bọn con tập như thầy bảo,
bọn con sẽ sớm chết đói đấy ạ. Bọn con không thể đọ với hội chơi ghita:
những tay đó, sau vài buổi họ đã tập ding-deng-dong, và giờ họ đã lập cả
một ban nhạc rồi.”
“Mọi thứ trên đời này đều nằm ở cách đánh giá của ta,” thầy Wa-thin
trầm ngâm đáp. “Thầy không phải là người quyết định thứ gì tốt hơn hay
tồi hơn. Điểm quan trọng nằm trong chính trái tim của mỗi chúng ta. Nó sẽ
mách bảo chúng ta điều ta yêu mến và điều ấy có giá trị với ta đến chừng
nào.”