17
V
iệc ông ta buồn bã khi thấy các dấu trọng âm đặt sai trên tên mình là
điều dễ hiểu. Nhưng còn lòng kiêu hãnh của ông thì do đâu mà có?
Đây là những nét tiểu sử chính của ông: một năm sau khi quân Nga đổ
bộ vào Tiệp năm 1968, ông rời khỏi Viện côn trùng học và đi làm công nhân
xây dựng cho đến tận lúc quân Nga rút năm 1989, tức là trong gần hai mươi
năm.
Nhưng chẳng phải là cũng có hàng trăm, hàng nghìn người bị mất việc
ở Mỹ, ở Pháp, ở Tây Ban Nha, ở khắp nơi, đó sao? Họ khổ sở vì chuyện đó
nhưng họ không lấy đó làm điều kiêu hãnh. Vì sao nhà bác học Czech lại
kiêu hãnh, không như những người khác?
Bởi vì ông bị mất việc không phải do những lý do kinh tế, mà là những
lý do chính trị.
Được. Nhưng trong trường hợp này vẫn phải lý giải vì sao sự bất hạnh
do những lý do kinh tế gây nên lại ít nghiêm trọng hơn hay ít vẻ vang hơn.
Một người bị thải hồi vì cãi nhau với sếp thì cảm thấy xấu hổ nhục nhã trong
khi người bị mất việc vì những chính kiến của mình thì có quyền khoe
khoang chuyện đó? Vì sao như vậy?
Bởi vì, trong sự thải hồi kinh tế, người bị thải hồi đóng vai trò thụ
động, thái độ của nó không có chút dũng cảm đáng kính trọng nào.
Điều này có vẻ hiển nhiên nhưng không phải thế. Bởi vì nhà bác học
Czech bị đuổi việc sau năm 1968, khi quân Nga đã thiết lập ở nước mình
một chế độ đặc biệt đáng ghét, không thực hiện một hành động dũng cảm
nào cả. Phụ trách một phòng của Viện, ông chỉ quan tâm đến loài ruồi. Một
hôm bất ngờ có một nhóm khoảng chục người đối lập chế độ mà ai cũng biết
rành rành ùa vào phòng làm việc của ông đòi cho họ một buồng để họ tiến
hành những cuộc họp nửa kín nửa hở. Họ hành động theo qui tắc của môn