judo đạo đức: đến bất ngờ và tự lập thành một nhóm người công khai đứng
quan sát. Cuộc chạm trán bất ngờ đặt nhà bác học vào tình thế tiến thoái
lưỡng nan. Nói “vâng” thì sẽ lập tức bị chuốc lấy nguy cơ thảm hại: ông có
thể bị mất việc và ba đứa con ông cũng sẽ bị cấm vào đại học. Nhưng nói
“không” với nhóm người mà trước đó đã chế giễu sự nhút nhát của ông thì
ông không có đủ can đảm. Kết cục ông đành phải đồng ý, nhưng rồi ông lại
tự khinh bỉ mình, khinh bỉ thái độ hèn nhát, yếu ớt của mình đã để cho họ tự
ý hành động. Vậy là, nếu người ta muốn biết chính xác, do sự hèn nhát của
mình nên sau đó ông đã bị đuổi việc và các con ông bị đuổi học.
Hoàn cảnh đã như vậy, thế thì quái quỷ sao ông còn cảm thấy kiêu
hãnh?
Thời gian càng trôi qua ông càng quên dần đi sự ghê tởm thù ghét của
mình đối với những kẻ đối lập và càng thấy tiếng “vâng” của mình khi đó là
một hành động tự nguyện và tự do, là biểu hiện thái độ phản kháng cá nhân
của mình chống lại cái chính quyền đáng ghét.
Nhưng chẳng phải là muôn đời vẫn có vô số người bị lôi kéo vào vô số
các cuộc xung đột chính trị và như vậy là họ có thể cảm thấy kiêu hãnh được
bước lên sân khấu lớn của Lịch Sử hay sao?
Tôi cần phải nói rõ hơn luận điểm của mình: sự kiêu hãnh của nhà bác
học Czech không phải ở chỗ ông bước lên sân khấu Lịch Sử vào bất cứ lúc
nào, mà chính vào lúc sân khấu được chiếu sáng. Sân khấu Lịch Sử được
chiếu sáng có tên gọi là Thời Sự Lịch Sử Hành Tinh. Praha năm 1968 được
rọi sáng bởi các đèn chiếu và được quan sát bởi các camera đã thành một
Thời Sự Lịch Sử Hành Tinh tuyệt vời và nhà bác học Czech kiêu hãnh về
việc đó đến tận hôm nay như vẫn còn cảm thấy cái hôn của nó đặt lên trên
trán mình.
Nhưng một cuộc thương lượng mua bán lớn, những cuộc gặp cấp cao
của các nhân vật đứng đầu thế giới này, đó cũng là những tin thời sự quan
trọng, chúng cũng được chiếu sáng, quay phim, bình luận; vì sao chúng lại
không gợi nên ở các diễn viên tham gia vào đó cái tình cảm kiêu hãnh đáng
xúc động này?