38
K
hông thể cam chịu ý nghĩ là Berck đã vứt bỏ mình, chị điên cuồng
muốn đi gặp ông ta để khiêu khích, để phô ra trước mặt ông ta toàn bộ vẻ
đẹp trắng tinh của mình (vẻ đẹp của người không bị vấy bẩn có phải là màu
trắng không?), nhưng cuộc đi dạo của chị dọc các hành lang và phòng họp
trong lâu đài không hứng thú gì: Berck không còn ở đấy nữa và anh chàng
quay phim đi theo chị thì không phải im lặng như một con chó hoang nhẫn
nhục, mà nói với chị bằng một giọng mạnh mẽ và bực bội. Chị đã thu hút
được sự chú ý về mình, nhưng là một sự chú ý sỗ sàng và chế nhạo, khiến
chị phải rảo bước nhanh hơn; như vậy, trong cơn trốn chạy, chị đã đến chính
bên bờ bể bơi, nơi chạm phải một cặp đang giao hợp, chị đã để buột ra một
tiếng kêu.
Tiếng kêu đó đã đánh thức chị: chị đột nhiên thấy rõ ra là cái bẫy đang
sập vào chị; kẻ săn đuổi ở đằng sau, mặt nước ở đằng trước. Chị hiểu rõ rằng
cuộc bao vây này là không có lối thoát; rằng lối thoát duy nhất mà chị có thể
làm là một hành động điên khùng; với tất cả sức mạnh ý chí chị đã quyết
định chọn một sự phi lý: bước lên trước hai bước chị nhảy ào xuống nước.
Cái cách chị nhảy xuống nước cũng khá kỳ lạ: ngược với Julie, chị biết
chìm xuống rất tốt; tuy nhiên chị cho hai chân vào nước trước, còn hai cánh
tay giang ra một cách khó chịu.
Chính là mọi cử chỉ, ngoài chức năng thực tế của chúng ra, còn có một
ý nghĩa vượt quá ý định của những người thực hiện chúng; khi những người
mặc áo may ô lao mình xuống nước, đó chính là niềm vui tự bộc lộ ra qua
cử chỉ đó, mặc dầu những người bơi lặn đó có thể có nỗi buồn. Khi một
người mặc cả áo quần mà nhảy xuống nước thì đó lại là chuyện khác: để
nguyên quần áo mà nhảy xuống nước thì chỉ là người muốn chết đuối; và
người muốn chết đuối thì sẽ không đâm đầu xuống trước; nó để cho bị ngã: