Stanford mà tiếp tục gắn bó với cái vị trí tiếp tân ở tiệm của chị mãi mãi, để
giữ cho khách hàng của chị luôn có sự “chuẩn bị tâm lý” tốt nhất.
Tôi đã nhận làm việc tại đây vì tôi muốn để dành tiền mua xe. Mẹ đã đề
nghị cho lại tôi chiếc xe của mẹ - chiếc Camry vẫn còn tương đối, để bà
mua chiếc khác cho chính mình. Nhưng tôi từ chối. Trước hết, việc tự mình
xoay xở kiếm tiền để thực hiện mong ước đối với tôi thực sự là một vấn đề
quan trọng. Thứ hai, tuy yêu mẹ, nhưng từ rất lâu, tôi học được rằng không
nên thỏa thuận bất cứ điều gì với bà. Với kiểu tính tình “cả thèm chóng
chán” ấy, viễn cảnh bà nằng nặc đòi lại chiếc xe cũ khi đã thấy chán chiếc
xe mới là điều tôi không mấy nghi ngờ.
Thế là tôi vét đến xu cuối cùng số tiền tiết kiệm của mình, kiếm được từ
việc trông trẻ và tiền mừng Giáng sinh trong suốt những năm qua. Tôi tìm
đọc trên tạp chí tiêu dùng và lập mọi kế hoạch nghiên cứu có thể về những
mẫu xe mới trước khi tới đại lý xe. Tôi tranh luận, cãi vã, vắt óc, và đấu trí
đến gần như phát bệnh với đủ thứ mánh khóe của những người bán hàng.
Cuối cùng, tôi cũng mua được chiếc xe ưng ý, một chiếc Civic mới có cửa
mui và hoàn toàn tự động, với giá thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ cắt cổ
được đề xuất trên catalogue. Ngày nhận xe, tôi đã lái ngay tới salon Joie và
điền vào đơn ứng cử đã nhìn thấy mẫu TUYỂN TIẾP TÂN họ dán ở cửa
cách đó khoảng một tuần. Và chuyện là như thế, tôi đã có một chiếc xe mới
bằng tiền của mình và có một công việc mới, ngay trước khi năm đầu tiên ở
đại học bắt đầu.
Và giờ đây, chuông điện thoại trên bàn tôi reng lên ngay khi bà Michaels
bước ra từ phòng tẩy lông. Thời gian đầu làm ở đây, tôi đã nhiều phen giật
mình khi trông thấy tình trạng tồi tệ của những khách hàng bước ra từ
phòng này: họ trông như nạn nhân chiến tranh, hay vừa trải qua một vụ hỏa
hoạn nào đấy. Bà Michael bước đi một cách cứng đơ, - rõ ràng việc tẩy lông
với bà thật kinh khủng, - và từ từ tiến về chỗ tôi.
- Salon Joie xin nghe. - Tôi nhấc ống nghe lên. - Tôi là Remy.