6 danh từ ấy nào phải chỉ để ám chỉ cho kinh. Vì sao thế? Vì mỗi danh từ là
bao hàm ý nghĩa một hệ thống, trong đó có phần gốc phần ngọn khác nhau.
Gốc từ tạng phủ rồi ra đến kinh khí và lạc. Thí dụ Thái Dương có phần tạng
phủ của Thái Dương, Bàng Quang và Ruột non. Phần kinh mạch thì gọi là
Túc Thái Dương thuộc Bàng Quang và Thủ Thái Dương thuộc Ruột non.
Các danh từ khác cũng tương tự như vậy. Thế là mỗi một danh từ là để chỉ
cho một hệ thống khí hóa từ tạng phủ kinh mạch ra đến khí để ráp vào mạch
pháp, kết thành cơ chuẩn đoán. Thí dụ bệnh thuộc Thái Dương thì mạch
Phù, đầu nhức, gáy cứng mà sợ lạnh. Đến như phân ra thủ túc, hệ thống nào
mà phần tạng nằm dưới Chẽn vừng, thì tạng phủ của phần ấy đều thuộc túc,
phần tạng nào nằm trên Chẽn vừng thì cả tạng phủ của phần ấy đều thuộc
thủ. Cho nên Phổi và Ruột già đều thuộc về thủ. Tỳ và Vị đều thuộc về túc.
Tất cả các danh từ đều theo qui củ này. Còn về phần kinh mạch thì kinh thủ
khởi từ lồng ngực mà hiện ra tay, rồi nối tiếp theo tay mà trở về đi lên đầu.
Còn kinh túc thì từ đầu đi thẳng xuống chân, rồi nối tiếp từ chân mà chạy về
bụng. Ý nghĩa phân thủ phân túc là như thế.
Còn về khí là thuộc về bầu khí quyển cơ thể, rung chuyển theo làn sóng
co giãn, nên vấn đề phân làm thủ túc trở nên không quan trọng mấy. Nên
kinh có 12, mà khí chỉ có 6. Ở Nội Kinh chúng tôi giải thích rất rõ, đây chỉ
khái lược thông qua, bao giờ đọc đến Thương Hàn Luận càng rõ hơn. Thế
mà phần nhiều thầy thuốc hễ nói đá động đến dược tánh thì nói vị này vào
kinh này, vị kia vào kinh kia, cũng như nói về mạch thì nói mạch này thuộc
kinh này, mạch kia thuộc kinh kia. Về bệnh về chứng cũng tương tự như
vậy, làm như cơ thể con người chỉ là một khối tổ hợp của những ống, những
đường chứ không hề có tạng phủ. Đây cũng là một bệnh nghiêm trọng trong
y khoa.
Một điều nữa ta cần phải để ý. Về mạch học, có những trường hợp bệnh
kết thành khối cứng thành hình, mà tại sao mạch lại hiện ra mềm nhũn nhu
nhược. Như thế là tại sao? Phải biết toàn cơ thể con người khắp cả tế bào
đều là một guồng máy sống tổ hợp, khi còn sức phản ứng thì dù cho một
chút xíu xa lạ nào đó xâm phập vào, đều nổi lên một sự phản ứng ngay. Do